Trao đổi với báo chí về tiến độ giải phóng hơn 3.000 container mà cơ quan Hải quan đang giữ tại các cảng biển do hầu hết là hàng nhập khẩu vô chủ đã quá 90 ngày, để lấy vỏ phục vụ cơn khát vỏ container đang lên cao hiện nay, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, số container hàng vô chủ hiện nay tại cảng chủ yếu là hàng nhập lậu vi phạm, nói chung là rác thải.
“Toàn bộ số container phải được chuyển về nước xuất khẩu, tái xuất đến tận cùng nước xuất khẩu sang Việt Nam như Philippines xuất ngược trở lại Canada”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Tình trạng thiếu container rỗng đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó. (Ảnh: Báo Công Thương)
Theo ông Cẩn, 5 năm qua, Tổng cục Hải quan đã đương đầu với các cơ quan khác để xử lý vấn đề container rác thải này. Có hãng, doanh nghiệp hào hứng giải phóng container nhưng không đúng điều kiện, họ chỉ nhận chở container ra khỏi biên giới Việt Nam, nhưng không xác định điểm đến, điều này sẽ nguy cơ chuyển sang nước thứ 3, rồi có thể lại quay lại Việt Nam bằng nhiều cách thức khác nhau, nên không được giải quyết.
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cơ quan này đang báo cáo cấp trên về hướng xử lý số container hàng tồn đọng quá 90 ngày. Tuy nhiên, việc xử lý này sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó, khó có thể kỳ vọng để phục vụ container cho doanh nghiệp xuất khẩu bởi phải xuất trả lại các nước đã xuất số hàng vi phạm sang Việt Nam.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, sản xuất container không đòi hỏi công nghệ cao, không quá khó, thị trường quyết định nguồn cung sản phẩm, vì vậy doanh nghiệp tại Việt Nam có đầy đủ khả năng để sản xuất các vỏ container nói trên. Vấn đề là phải làm rõ tại sao các doanh nghiệp cho thuê tăng giá cao như hiện nay để tìm gốc rễ vấn đề để giải quyết.
"Tại sao năm nay container khan hiếm, bị đội giá lên? Tại sao không tính quay vòng nhanh số container hàng xuất khẩu đi, đang bị một số nơi ém hàng lại để tăng giá thuê container?”, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đặt câu hỏi.
Trước đó, như VOV.VN đưa tin, từ hơn 3 tháng nay, giá thuê container rỗng liên tục tăng , từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet thì nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí là 10.000 USD/container 40 feet, khiến nhiều ngành hàng xuất khẩu rơi vào thế khó. Để ứng phó với tình trạng này, các hãng tàu đề xuất, các cơ quan chức năng cần xem xét giải quyết tình trạng hàng ngàn container vô chủ ở cảng để “lấy nguồn” container rỗng cho xuất khẩu.