Cứ tháng 6-7 là thời điểm vụ lúa ở khu vực miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa thu hoạch. Do đó, các loại côn trùng như châu chấu được người dân vùng này săn bắt để giảm hại mùa màng. Vốn dĩ lạ miệng, lại ngon nên châu chấu nhanh chóng trở thành đặc sản được nhiều người mua.
Chị Hạnh ở Tuyên Quang cho biết, nhà chị chuộng châu chấu nên cứ vào mùa là tranh thủ mua để thưởng thức. "Châu chấu tự nhiên thường xuất hiện nhiều vào đầu tháng 6, nhưng muốn mua được cả kg thì phải đặt hàng trước. Mỗi mùa chỉ mua được khoảng 2 lần là hết", chị Hạnh nói và cho hay mỗi lần gia đình chị đặt mua 2 kg với giá 250.000 đồng một kg.
Là người chuyên săn và bán châu chấu, anh Tân ở Tuyên Quang cho biết, mỗi lần anh chỉ bắt được khoảng 1-3 kg. Loại này chưa kịp đem ra chợ bán đã được người quen đặt mua hết. Châu chấu ăn rất bùi, béo lại nhiều chất dinh dưỡng.
Châu chấu thường được bắt vào gần cuối vụ thu hoạch nên rất an toàn và đảm bảo chất lượng. Mỗi vụ chỉ kéo dài hơn một tháng nên cả vụ chỉ đặt bẫy được khoảng 5-10 kg", anh nói.
"Châu chấu còn chân và cánh có giá 250.000 đồng một kg. Loại cắt cánh sạch sẽ có giá 300.000 đồng", chị Thu nói. Đồng thời chị cho hay, từ đầu vụ tới nay mới bán được 2 đợt và đang đặt hàng đợt tiếp theo nhưng hơn một tuần vẫn chưa có hàng vì các đầu mối gần đã mua hết.
Là đầu mối bán châu chấu khá lớn ở Gò Vấp (TP HCM), anh Cương cho biết, mỗi kg anh bán 240.000 đồng. Mỗi đợt về được khoảng 30-50 kg nhưng không đủ bán cho khách. "Các quán bia ở TP HCM đặt cả chục kg mỗi đơn hàng, nhưng đợt này về được 43 kg, tôi phải chia đều mỗi quán vài kg", anh Cương cho hay.
Theo người dân ở Thanh Hóa, Điện Biên..., châu chấu quê chưa bao giờ ế ẩm. Ngoài dân buôn, các nhà hàng, quán ăn đặc sản cũng tranh nhau mua. Bởi lẽ, loại này chỉ có vào gần cuối vụ mùa. Mặt khác, số lượng hạn chế, nhu cầu cao nên chúng luôn "cháy hàng".