Không phải dậy từ 2-3 giờ sáng bẻ vải thiều để kịp cân bán cho các đầu mối thu mua như hồi tháng 6, đầu tháng 7, những ngày này ông Nguyễn Văn Lân ở thôn Lâm, xã Nam Dương (Lục Ngạn, Bắc Giang) khá thảnh thơi. Buổi sáng, ông ngủ trễ hơn rồi hướng dẫn 2-3 người làm công đi dọn dẹp vườn vải, tỉa cành, tỉa tán sau vụ thu hoạch. Thời gian còn lại, ông tranh thủ đi xem đất để chọn mua 1-2 mảnh phù hợp với khoản tiền mình có.
Ông Lân kể, năm nay vải thiều nhà ông được mùa, sản lượng đạt trên 40 tấn, cao hơn vụ vải năm ngoái khoảng 8 tấn. Toàn bộ vải thiều được doanh nghiệp đến tận vườn thu mua, vợ chồng ông không phải vất vả chở từng sọt ra chợ bán như trước đó.
Năm nay, nhà ông làm vải thiều sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp đăng ký bao tiêu vải từ lúc quả còn xanh. Chưa kể, vải thiều nhà ông còn được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Nhật Bản với giá cao.
Vải thiều năm nay được mùa, giá ổn định nên nhiều hộ dân lãi vài trăm triệu cho tới tiền tỷ
"Vải thiều xuất sang Nhật bán được 30.000 đồng/kg, còn xuất bán trong nước giá thấp hơi một chút. Tính trung bình, vụ này vải bán được giá 27.000 đồng/kg", ông Lân khoe, 3ha vải vườn nhà ông cho thu khoảng 1,1 tỷ đồng, trừ chi phí chăm bón, thuê người bẻ vải,... ông thu lãi hơn 900 triệu đồng.
Ông tiết lộ, năm nay lãi nhiều hơn vụ vải năm ngoái nên ông đang tính đem một phần gửi ngân hàng lấy lãi, số còn lại tậu thêm mảnh đất coi như làm của để dành cho con cháu hoặc dưỡng già.
Sau hơn 1 tháng vất vả chở từng sọt vải thiều ra chợ bán, anh Hoàng Văn Giáp ở xã Nam Dương cho biết, giá vải thiều ở chợ cao thấp tùy ngày. Năm nay, tuy giá không cao bằng vụ năm ngoái nhưng lại ổn định hơn. Vải thiều nhà anh thường có giá bán từ 18.000-35.000 đồng/kg.
"Vườn vải nhà tôi năm nay cho trên 20 tấn quả. Mỗi chuyến một sọt 1,5-1,8 tạ vải, ngày chở vài chuyến ra chợ bán thu tiền tươi", anh Giáp chia sẻ, mấy hôm trước thu hoạch và bán vải xong, vợ chồng anh ngồi đếm lại thì vụ vải này lãi khoảng 400 triệu đồng. Anh mua sắm vài món đồ cho gia đình, còn lại đem gửi tiết kiệm lấy lãi.
Nhờ đó, doanh thu vải đạt khoảng 6.830 tỷ đồng, cao hơn vụ vải năm trước 830 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều khoảng 5.140 tỷ, còn lại là thu từ dịch vụ phụ trợ như thùng xốp, đá cây,...
Cũng theo ông Thọ, thời kỳ cao điểm thu hoạch vải thiều năm nay, trên địa bàn tỉnh có tới 600 điểm cân, còn lúc thấp điểm có khoảng 100-150 điểm cân. Các điểm cây này tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên để thu mua vải của người nông dân khắp các vùng miền trong tỉnh.
Về thị trường tiêu thụ, khoảng 86,5 nghìn tấn vải thiều (chiếm 52,5%) được tiêu thụ trong nước. Vải thiều xuất khẩu đạt trên 78 nghìn tấn (chiếm 47,5%), chủ yếu xuất đi Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Canada,...
Theo lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, khi vải thiều sắp bước vào vụ thu hoạch, Bộ NN-PTNT và địa phương xác định đây là một mùa vụ khó khăn, thị trường xuất khẩu có thể gặp khó vì dịch bệnh, trong khi năng suất vải lại tăng trên 10.000 tấn so với năm 2019. Song, với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, nông dân Bắc Giang đã có vụ mùa bội thu, vải thiều được mùa, giá cả ổn định.
Từ thành công của quả vải thiều, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng sẽ định vị trái vải vào phân khúc cao cấp, khi xuất sang được Nhật Bản thì có thể tự tin chinh phục các thị trường khác.
Sau nhiều năm nỗ lực mở cửa thị trường, vải thiều Bắc Giang nay đã có mặt tại hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhờ đó, những vụ vải gần đây không còn tình trạng bế tắc đầu ra, không còn cảnh được mùa rớt giá. Doanh thu từ quả vải thiều tăng đều đặn qua các năm, vụ sau cao hơn vụ trước vài trăm tỷ đồng, thậm chí sắp tới ngưỡng nghìn tỷ đồng như năm nay.