Nhiều năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi Bắc Kinh và Mỹ đang áp thuế mới lên hàng hóa lẫn nhau trong cuộc chiến thương mại.
Trung Quốc áp thuế lên đến 70% với thịt heo từ Mỹ khiến mặt hàng này trở nên đắt hơn. Trong khi đó, nhu cầu thịt heo nhập tại Trung Quốc cũng đang tăng cao vì dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung.
Để lấp đầy khoảng trống, các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải đẩy mạnh việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới tại châu Âu và Nam Mỹ. Ở chiều ngược lại, các nhà cung cấp này cũng mong muốn tận dụng cơ hội để làm ăn lâu dài với các đối tác ở thị trường hơn 1,4 tỉ dân. Động thái này không chỉ ảnh hưởng tới những nông dân chăn nuôi heo tại Mỹ, mà còn là một điều chỉnh cơ bản trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại thị trường thịt heo hàng đầu thế giới.
ElPozo Alimentación – công ty cung ứng thịt heo hàng đầu Tây Ban Nha bắt đầu nhận được nhiều cuộc gọi hơn từ các nhà máy chế biến tại Trung Quốc từ tháng 9. John Hickin – phụ trách kinh doanh tại châu Á của ElPozo - cho biết các nhà máy chế biến nói với ông rằng họ lo ngại nguồn cung nội địa có thể giảm mạnh khi hàng chục nghìn con heo bị tiêu hủy để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi bùng nổ ở Trung Quốc.
Các nhân viên của ElPozo tại Thượng Hải đã phải làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ đầu tháng này để nhận các đơn đặt hàng. "Chúng tôi đang cố gắng trở thành Coca Cola của ngành thịt", ông Hickin nói.
ElPozo đang tăng đàn heo trong các trang trại ở Murcia, vùng Đông Nam Tây Ban Nha. Họ kỳ vọng, doanh thu sẽ tăng 40% trong 4 năm tới nhờ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Á và Mỹ La Tinh. Công ty này gần đây đã tiếp 20 khách hàng tiềm năng mới từ Trung Quốc tại trụ sở chính.
Tại Argentina, giới chức nước này đang thực hiện thỏa thuận đẩy xuất khẩu heo sang Trung Quốc vào cuối năm nay, theo Guillermo Proietto – Giám đốc hợp tác xã Argen Pork. Một số thành viên của hợp tác xã này đang đầu tư thêm vào các dây chuyền mới và kho lạnh
Trong khi đó, tại Talca (Chile), ông Pablo Alvarez đang phải thức dậy từ 5 giờ mỗi sáng để trả lời các tin nhắn WeChat, email ngày càng nhiều của các người mua thịt heo Trung Quốc.
Người Trung Quốc mua thịt heo tại một siêu thị ở Thượng Hải hồi tháng 8. Ảnh: Bloomberg
Ông Alvarez phụ trách xuất khẩu của Coexca – doanh nghiệp chế biến thịt heo lớn thứ hai Chile. Trước đây, ông hiếm khi nhận được thông tin từ các khách hàng Trung Quốc. Ông đang phải giảm giá xương, đầu heo và nhiều bộ phận khác để duy trì 20-25% lượng xuất khẩu tới Trung Quốc trong bối cảnh nhu cầu thịt heo tại đây tăng mạnh.
Coexca đặt mục tiêu tăng gấp đang sản lượng thịt heo vào cuối năm nay. Ông Alvarez đã có lịch họp bốn ngày liên tục với các đối tác từ Trung Quốc và nhiều nước khác tại triển lãm thương mại tại Paris tháng này.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính nông dân Trung Quốc sẽ nuôi khoảng 708 triệu con heo năm nay – gấp đôi số heo hiện có trên toàn cầu. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa đáp ứng đủ cho thị trường Trung Quốc.
Người Trung Quốc tiêu thụ gần 55,8 triệu tấn thịt heo mỗi năm. Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính, mỗi người dân nước này ăn khoảng 39,5 kg thịt heo năm nay, tăng 30% so với năm 1998. Trong khi đó, bình quân mỗi người Mỹ dự kiến tiêu thụ hơn 23 kg thịt heo, không thay đổi nhiều so với 20 năm trước.
Trung Quốc nhập khẩu 1,6 triệu tấn thịt heo năm ngoái, gấp gần 10 lần so với hơn 10 năm trước. Sự gia tăng này đã thúc đẩy các nhà sản xuất ở nhiều quốc gia, trong đó có ngành thịt trị giá 200 tỷ USD của Mỹ, chi hàng trăm triệu USD đầu tư các lò mổ hiện đại để lấp đầy nhu cầu của thị trường Trung Quốc.
Người Trung Quốc cũng ưa chuộng các bộ phận của heo mà người phương Tây không thích như tim, móng heo. Do đó, doanh thu từ các bộ phận này giúp các doanh nghiệp cung cấp thịt ở Mỹ cũng như các nước khác giữ giá cả như thịt nguội, thịt xông khói ở Trung Quốc thấp hơn thị trường nội địa.
Theo hiệp hội xuất khẩu thịt Mỹ, doanh thu xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 1 tỉ USD năm ngoái, chiếm gần một phần năm tổng lượng thịt heo xuất khẩu của Mỹ.
"Thị trường Trung Quốc rất quan trọng để ngành cung cấp thịt heo có thể phát triển thành công", Steve Rommereim – Chủ tịch Hiệp hội thịt heo Mỹ cho biết. Ông từng đến Trung Quốc để gặp các khách hàng tại đây.
Cuộc chiến thương mại đang khiến thịt heo Mỹ gặp nhiều khó khăn hơn tại Trung Quốc khi cạnh tranh vẫn rất khốc liệt. EU hiện là nhà xuất khẩu thịt heo vào Trung Quốc lớn nhất từ năm 2009, theo Rabobank – một trong những ngân hàng cho vay nông nghiệp hàng đầu thế giới. Mỹ chỉ đứng thứ ba, sau Canada.
Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp thịt heo quốc tế thừa nhận, Mỹ vẫn là một đối thủ đáng gờm vì năng suất, quy mô của ngành thịt Mỹ với nguồn cung thức ăn chăn nuôi dồi dào. "Tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ tiếp tục mua thịt heo Mỹ", Hendrik Voigt chủ công ty thịt Vimex của Đức nhận định.
Một công nhân của WH Group trong nhà máy tại thành phố Trịnh Châu. Ảnh: Bloomberg
WH Group trở thành công ty cung cấp thịt heo lớn nhất thế giới sau khi thâu tóm Smithfield Foods năm 2013. Công ty này đã giảm hơn 20% thịt heo nhập khẩu từ Mỹ. Doanh thu của WH Group giảm 8% trong nửa đầu năm nay. Công ty này dự kiến sẽ mua thêm thịt tại các trang trại ở Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Âu để bù đắp cho lượng thịt heo nhập khẩu từ Mỹ bị giảm.
Công ty Elfering Export, gần biên giới Đức và Hà Lan xuất khẩu thịt heo sang Hồng Kông, sau đó chúng được chuyển đến Trung Quốc. Grant Gouws – đại diện doanh nghiệp cho biết xuất khẩu thịt heo tăng 20% so với một năm trước.
Gouws cho biết, từng tranh cãi với khách hàng ở đây vì giá cả và mất nhiều đơn hàng khi không cạnh tranh lại được với đối thủ. Tuy nhiên, khách hàng của ông tại Trung Quốc gần đây không mặc cả nhiều như trước nữa.
"Với chúng tôi, đó chắc chắn là tin vui. Ngay khi mức thuế mới Trung Quốc áp lên thịt heo Mỹ có hiệu lực, nó đã thay đổi mọi thứ", Gouws cho hay.
Tại Tây Ban Nha, các nhà sản xuất như Costa Brava đang mở rộng để tận dụng lợi thế thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc. Giám đốc xuất khẩu của Costa Brava - Ernest Xargayo cho biết, việc bán các sản phẩm như chân, đầu, sụn heo... cho Trung Quốc rất quan trọng với kế hoạch phát triển của công ty. Lần đầu trong vòng 1,5 năm trở lại đây, Costa Brava bán thêm được các sản phẩm giá cao hơn như thịt thăn... sang Trung Quốc. Thay vì cho vào xe đông lạnh để chuyển tới các siêu thị tại Tây Ban Nha và Pháp, chúng đang trong container đến Trung Quốc.
Theo Xargayo, Trung Quốc đang cố gắng mua thịt heo giá rẻ hơn từ các quốc gia khác khiến Mỹ có thể phải giảm giá để giữ doanh số tại đây. "Chỉ có cạnh tranh mới có thể tồn tại", ông nhấn mạnh