Bánh Trung thu handmade thu hút người tiêu dùng bởi hình thức bánh độc đáo, hương vị phong phú. Ảnh: Vivu Cake.
Khác với hình mẫu vuông tròn cùng hương vị cơ bản của bánh Trung thu truyền thống, bánh Trung thu handmade được lòng nhiều người tiêu dùng khi xuất hiện dưới nhiều hình thức mới lạ như con thú, đèn lồng, đường nét hoa văn độc đáo cùng hương vị đa dạng.
"Bánh Trung thu handmade thường có kích thước nhỏ, vừa miệng ăn hơn bánh truyền thống. Ngoài ra, nhân bánh cũng được biến hóa tinh tế, phù hợp thị hiếu khách hàng qua các năm", chị Thu Thảo - chủ cửa hàng bánh Trung thu handmade Vivu trên đường Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội - chia sẻ với Zing.
Tuy nhiên, dịp Trung thu năm nay trùng với thời điểm dịch bệnh khiến ngành kinh doanh này gặp khó. Các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade chật vật, tìm cách xoay sở khi đối mặt với tình trạng chi phí tăng, nhân công thiếu hụt và khâu vận chuyển còn nhiều hạn chế.
Khó chồng khó
Trao đổi với Zing, chị Thu Thảo cho biết phần lớn khách hàng của chị là các khối doanh nghiệp, tổ chức và trường học. Theo chị, những năm trước, các đơn vị này thường đặt bánh Trung thu handmade từ sớm, cách rằm ít nhất 1,5-2 tháng. Nhưng năm nay, lượng đơn đặt bánh từ nhóm khách hàng này hầu như không còn.
"Việc các trường học đóng cửa và nhiều công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, buộc phải cắt giảm quỹ quà bánh khiến lượng đơn hàng sụt giảm mạnh", chị cho hay.
Bên cạnh đó, theo chị Thảo, tình hình dịch Covid-19 phức tạp khiến người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, đặc biệt khi bánh Trung thu không phải loại thực phẩm thiết yếu. Do vậy, những khách hàng từng mua bánh Trung thu handmade làm quà biếu giờ không mua hay mua chỉ mua số lượng ít, đủ phục vụ các thành viên trong gia đình.
Với anh Đức Đạt - chủ cửa hàng bánh Trung thu handmade tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội - khó khăn nhất trong lúc này là tìm đầu ra. "Vì đã chuẩn bị cho mùa bánh Trung thu từ sớm, chúng tôi cần duy trì kinh doanh để không tồn nguồn nguyên liệu", anh Đạt nói và dự báo lượng khách hàng năm nay sẽ giảm 50% so với năm trước.
Chi phí sản xuất, vận chuyển của các cơ sở bánh Trung thu handmade năm nay tăng 1-1,5 lần. Ảnh: Nguyễn Phương Anh.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của Zing, hầu hết chủ cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade đều chịu chi phí nguyên vật liệu tăng gấp 1,5 lần so với năm ngoái. "Do đó, bánh thành phẩm buộc tăng giá nhưng chỉ dám tăng nhẹ để giữ chân khách hàng", anh Đạt chia sẻ.
Ngay cả khâu vận chuyển - bước cuối cùng trong quy trình kinh doanh bánh Trung thu handmade - vẫn tồn tại nhiều khó khăn khi phí giao hàng nội thành tăng 1,5-2 lần so với trước dịch. Một số cơ sở kinh doanh thậm chí phải chịu 50% phí vận chuyển để khách hàng dễ dàng mua sắm.
Khó khăn là vậy, trên thị trường, một số cơ sở kinh doanh bánh Trung thu handmade cho biết vẫn duy trì lượng hàng bán ra tương đối ổn định, chỉ giảm nhẹ so với trước dịch.
Bắt đầu kinh doanh mặt hàng này từ năm 2016, chị Nguyễn Phương Anh - ngụ tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - cho biết sau 5 năm, chị đã gây dựng lượng khách hàng quen thuộc. Hiện tại, trung bình cửa hàng chị bán ra khoảng 100 chiếc bánh/ngày.
Theo chị Phương Anh, tình trạng đơn hàng sụt giảm là xu hướng chung trong bối cảnh kinh doanh hiện tại. "Ngoài ra, xu hướng tự làm bánh Trung thu tại nhà gia tăng khiến nhu cầu mua bánh sẵn giảm đáng kể", chị nói.
Tập trung kinh doanh online
Trong khi các thương hiệu bánh Trung thu truyền thống rục rịch tận dụng kênh phân phối online, thị trường bánh Trung thu handmade có lợi thế hơn khi vốn hoạt động chủ yếu trên nền tảng trực tuyến.
"Tôi kinh doanh mặt hàng này bằng tài khoản mạng xã hội và trên các chợ mạng đã hơn 5 năm. Do đó, tôi không gặp khó trong việc tiếp cận khách hàng qua kênh online", chị Thảo bộc bạch.
Để phát triển công việc kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh, chị Thảo tận dụng mối quan hệ thân quen, giới thiệu sản phẩm bánh Trung thu handmade sẵn có. Ngoài ra, chị cũng cố gắng duy trì hệ thống cộng tác viên online, cung cấp các ưu đãi như chiết khấu % cao để giữ mối làm ăn lâu dài trong bối cảnh đại dịch.
Cửa hàng bánh Trung thu online của anh Đạt thu hút khách hàng bằng những hình ảnh công phu, đẹp mắt. Ảnh: Better Day.
"Xác định tình hình kinh doanh năm nay không thể lãi lớn, tôi cố gắng duy trì hoạt động sản xuất mùa vụ này bằng mọi cách, giữ mối khách hàng thân thiết", chị nói.
Tương tự, chị Phương Anh cho biết hiện tại, chủ yếu khách hàng tìm tới chị đều là khách quen, khách mua buôn và cộng tác viên lâu năm. Do đó, chị tập trung khâu hoàn thiện bánh, phong phú các mẫu mã và phục vụ các loại hộp đựng đẹp mắt, lịch sự để khách hàng có nhiều lựa chọn.
Khảo sát của Zing, một số cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu handmade trên chợ mạng tại Hà Nội đồng thời bán thêm dòng bánh Trung thu tươi, bánh Trung thu rau câu hay bánh Trung thu nghìn lớp cho mùa Trung thu sắp tới.
Tuy nhiên, theo anh Đạt, việc cung ứng nguyên liệu để sản xuất các loại bánh Trung thu hiện đại sẽ đẩy chi phí tăng cao, tạo thêm gánh nặng cho chủ cơ sở. Do đó, anh quyết định tập trung toàn lực vào bánh Trung thu handmade truyền thống vì với anh, "đã là truyền thống thì khó có thể bị thay thế".
Dù thiếu nhân công, anh Đạt cố gắng chỉn chu khâu hình ảnh trên trang mạng xã hội và phong phú thêm các loại nhân bánh cho khách hàng lựa chọn. Ngoài ra, anh cũng phủ thương hiệu trên các hội nhóm, chạy quảng cáo trên sàn thương mại điện tử để tăng cơ hội tiếp cận khách hàng.