Phóng viên: Những tác động của thanh toán không dùng tiền mặt - thanh toán điện tử (TTĐT) đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, theo ông là gì?
- Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam, Lào và Campuchia: Dựa vào kết quả nghiên cứu từ năm 2011 đến 2015 của Moody’s, TTĐT đã đóng góp 298 tỉ USD vào GDP toàn cầu và tạo ra trung bình 2,6 triệu việc làm mỗi năm.
Về phía Việt Nam, TTĐT đóng góp 880 triệu USD vào tổng GDP trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2015. Sự đóng góp của TTĐT vào tăng trưởng GDP của Việt Nam đứng thứ 2 toàn khu vực, chỉ sau Thái Lan và cao hơn Singapore. Cụ thể hơn, TTĐT đã đóng góp 0,14% vào sự tăng trưởng GDP của Việt Nam, hơn gấp đôi mức trung bình của khu vực (0,06%).
Nghiên cứu cũng cho thấy TTĐT đã đóng góp trung bình 75.000 việc làm mỗi năm cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông, những rào cản của việc phát triển TTĐT ở Việt Nam là gì? Và làm thế nào để Visa có thể vượt qua những rào cản đó?
- Vấn đề chính ở đây là sự hiểu biết về thẻ thanh toán còn hạn chế. Mặc dù ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt sử dụng thẻ để thanh toán, vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm sai lầm như sử dụng thẻ sẽ không an toàn. Đây là lý do chúng tôi rất chú trọng trong việc tăng cường và nâng cao kiến thức về thẻ và sử dụng thẻ tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh làm việc với các ngân hàng phát hành thẻ, Visa cũng thông qua những chương trình chia sẽ kiến thức tài chính cộng đồng, để giúp đỡ thế hệ trẻ hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiết kiệm, quản lý và chi tiêu hợp lý.
Ông có thể nói rõ hơn việc TTĐT có thể giúp giảm thiểu các hoạt động của nền kinh tế ngầm?
- Tiền mặt theo bản chất là rất khó quản lý, đó là lý do tại sao chúng lại được dễ dàng sử dụng trong các hoạt động bất hợp pháp. Ngược lại, TTĐT lại dễ dàng quản lý, cho phép xác định nguồn gốc và chi tiết giao dịch, cũng như có thể theo dấu các nguồn tiền bất hợp pháp.
Vì vậy, việc phát triển TTĐT sẽ mang lại lợi ích 2 chiều: sử dụng TTĐT nhiều hơn có thể giảm thiểu các hoạt động bất hợp pháp và trong trường hợp xuất hiện hành vi chi tiêu bất hợp pháp thì việc thực thi pháp luật sẽ dễ dàng hơn.
Theo ông, với những ích lợi mà sự phát triển của TTĐT hứa hẹn sẽ mang đến, đâu là những giải pháp giúp kích thích TTĐT tại Việt Nam?
- Theo tôi, giải pháp được tiếp cận từ 3 góc nhìn: Giáo dục: Điều quan trọng nhất là người tiêu dùng Việt Nam phải được trang bị những kiến thức cần thiết để đưa ra quyết định tài chính đúng đắn. Mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ: Tiếp tục làm việc chặt chẽ với các ngân hàng và doanh nghiệp bán hàng nhằm cung cấp cho chủ thẻ nhiều nơi chấp nhận thanh toán thẻ hơn khi sử dụng các sản phẩm Visa để thanh toán. Hình thức thanh toán mới: không ngừng nỗ lực đưa ra các cải tiến giúp người tiêu dùng tận hưởng tối đa những lợi ích của TTĐT. Điển hình, chúng tôi đã giới thiệu thẻ thanh toán ảo tại thị trường Việt Nam, cho phép người tiêu dùng nạp trước một khoản tiền vào “thẻ Visa ảo”, sau đó họ có thể dùng “thẻ” ấy để thanh toán trực tuyến tương tự như bất kỳ loại thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ nào khác.
Trong tương lai, đâu là những nỗ lực của Visa nhằm đồng hành với sự phát triển chung của thị trường thanh toán tại Việt Nam?
- Chúng tôi đang tiến hành kế hoạch 5 bước để chuyển đổi thị trường theo hướng gia tăng TTĐT và giảm bớt sự phụ thuộc vào tiền mặt: Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán; tăng cường sử dụng thẻ ghi nợ Visa (Visa Debit) cho các giao dịch hằng ngày; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục về kiến thức tài chính; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử; đưa ra những cải tiến đổi mới trong TTĐT.