Đây là sự kiện thường niên do Roche Diagnostics phối hợp cùng các đơn vị y tế trong và ngoài nước tổ chức, với mong muốn có thể nâng cao trình độ kỹ thuật chuyên môn cho nhân viên y tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành chẩn đoán xét nghiệm tại Việt Nam. Hội thảo tập trung vào đề tài nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phòng xét nghiệm trong nước.
Chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế
Buổi hội thảo có sự tham gia chia sẻ của 2 chuyên gia quốc tế là TS Ronda Greaves (giảng viên cao cấp Khoa Hóa sinh lâm sàng Đại học RMIT - Úc) và ông Mah Sam Yew (Giám đốc tư vấn giải pháp, quy trình phòng xét nghiệm Roche Diagnotics khu vực châu Á - Thái Bình Dương).
Vấn đề về công tác đào tạo con người được TS Ronda Greaves đề cập thông qua bài giới thiệu về chương trình đào tạo trực tuyến (eAcademy) của Liên đoàn Hóa sinh Lâm sàng quốc tế (IFCC). Trong hơn 3 năm chuẩn bị, bắt đầu từ năm 2012 sau khi thành lập C-DL (Tiểu ban Đào tạo từ xa), chương trình chính thức ra đời vào năm 2015. Tuy vẫn còn nhiều điểm cần tiếp tục cải tiến, eAcademy đã và đang mang lại nhiều giá trị: có thể truy cập miễn phí từ các tổ chức thành viên, lưu trữ nguồn tài nguyên toàn cầu trên mạng, khả năng tương tác cao...
Với cùng sự trăn trở là làm sao có thể góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của ngành chẩn đoán xét nghiệm tại Việt Nam, ông Mah Sam Yew đã có bài báo cáo về khảo sát các phòng xét nghiệm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Qua bài khảo sát, các nhà quản lý có thể tự đánh giá phòng xét nghiệm của mình qua 3 hạng mục chính: chất lượng - tốc độ - chi phí, từ đó tập trung cải tiến lĩnh vực nào mình còn tụt hậu so với mặt bằng chung.
TS Ronda Greaves cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc công nhận chất lượng phòng xét nghiệm tại Úc. Ban đầu, các phòng xét nghiệm tham gia vào việc xét chứng nhận xuất phát từ sự tự nguyện. Nhưng giờ đây, để thúc đẩy việc nâng cao chất lượng xét nghiệm, việc chứng nhận đã liên quan đến quyền lợi từ Medicare (hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia Úc): các đơn vị không được chứng nhận sẽ không được hoàn trả phí dịch vụ từ Medicare. Bà cũng giải thích tầm quan trọng của chứng nhận: nhằm đề cao việc xét nghiệm có chất lượng, giảm thiểu sự thiếu đồng bộ trong kết quả - bảo đảm việc tiêu chuẩn hóa cho quy trình xét nghiệm khắp cả nước. Đồng thời bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nội kiểm và hướng dẫn một số điều cơ bản khi áp dụng nội kiểm tại các đơn vị y tế ở Việt Nam.
Thực trạng và phương hướng nâng cao chất lượng xét nghiệm trong nước
Tại hội thảo, TS-BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đã trình bày thực trạng và phương hướng của Chính phủ trong việc nâng cao chất lượng xét nghiệm. Một số giải pháp đã được BS Khoa chia sẻ như: xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về quản lý chất lượng y học; đào tạo nhân lực; đầu tư hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học bằng các nguồn vốn và các hình thức đầu tư phù hợp; tăng cường quản lý, giám sát chất lượng và ứng dụng công nghệ thông tin vào xét nghiệm y học.
Nhằm giúp các nhân viên y tế nắm rõ hơn về tình trạng xét nghiệm trong nước, TS-DS Trần Hữu Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn Xét nghiệm TP HCM - đã có một số nhìn nhận về chất lượng xét nghiệm từ 2006 - 2016 và đề án nâng cao chất lượng của Chính phủ đến năm 2025. Điều đáng khích lệ là mạng lưới kiểm chuẩn ban đầu chỉ mới được thí điểm tại TP HCM nay đã phủ khắp cả nước. Hoạt động chuẩn hóa phòng xét nghiệm cũng đã đạt được một số kết quả tích cực về đào tạo, cơ sở vật chất, nhân sự, chính sách...
Để thực hiện đề án đó một cách thuận lợi, PGS-TS Vũ Quang Huy đã chia sẻ về việc thiết lập mạng lưới kết nối Bộ Y tế - Trung tâm Kiểm chuẩn Chất lượng Xét nghiệm Y học (QCC) - các phòng xét nghiệm ở 18 tỉnh, thành phía Nam nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng trong nước.
Với những kiến thức và kỹ năng hữu ích từ buổi hội thảo này, hy vọng chất lượng xét nghiệm của các đơn vị y tế tại Việt Nam ngày càng được cải tiến, góp phần nâng cao chất lượng sức khỏe người dân Việt.