Trước những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người lao động cũng như những hậu quả về kinh tế - xã hội, mới đây, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá gắn với xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc cho CNVC-LĐ, nhất là người lao động trong các doanh nghiệp.
Nỗ lực tạo môi trường sạch khói thuốc
Gần đây nhất là buổi tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc tại Công ty TNHH Sungwoo Vina (KCN Thuận Thành 3) do LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Công đoàn (CĐ) các KCN tỉnh tổ chức. Chia sẻ suy nghĩ tại buổi tập huấn, công nhân Trần Xuân Học cho biết dù nghe nói nhiều về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe nhưng có dành thời gian nghe mới hiểu đầy đủ hơn về tác hại của thuốc lá. Từ những hiểu biết này, anh sẽ vận động người thân, bạn bè bỏ thuốc lá.
Ông Nguyễn Ngọc An, Trưởng Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, cho biết thực hiện hướng dẫn của cấp trên, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với mục tiêu “Vì sức khỏe cộng đồng - Không hút thuốc lá tại nơi làm việc”. Đến nay, các cấp CĐ trong tỉnh tổ chức được 650 buổi lồng ghép tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc cho trên 64.000 lượt người tham gia; cấp phát trên 10.000 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá. Tại cơ quan LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, gắn 30 biển “không hút thuốc lá” tại phòng làm việc, phòng họp, phòng khách, bếp ăn tập thể, nhà thi đấu thể thao… Năm 2016, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo điểm đối với một số CĐ cơ sở về việc tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; tổ chức cho CNVC-LĐ ký cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc, đưa nội dung này vào tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết thuốc lá đã và đang là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất to lớn đối với sức khỏe con người và môi trường sống. Thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe người hút mà còn gây bệnh tật và tử vong cho những người không hút thuốc, do hít phải khói thuốc thụ động. Nghiên cứu cho thấy trong thuốc lá có 7.000 chất hóa học độc hại và 69 chất gây ung thư, có 50% số người hút thường xuyên chết vì thuốc lá, người nghiện thuốc lá giảm thọ từ 8 đến 23 năm. Theo Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người, có trên 40.000 người chết do hút thuốc lá/năm, 90% ca ung thư phổi là do hút thuốc.
Ông Tiêm cho biết thực hiện chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá trong CNVC-LĐ, LĐLĐ nhiều địa phương đã tổ chức hội nghị tập huấn về thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và tổ chức ký cam kết triển khai các biện pháp xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nơi làm việc.
Theo kết quả điều tra năm 2015, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 45,3% năm 2015. Điều đáng khích lệ là tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động năm 2015 đã có xu hướng giảm ở nhiều lĩnh vực: tại gia đình (giảm từ 73,1% xuống còn 59,9%), tại nơi làm việc (từ 55,9% xuống còn 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng (từ 54,3% xuống còn 37,9%), trên các phương tiện giao thông công cộng (từ 34,4% xuống còn 19,4%) và tại trường học (từ 22,3% xuống còn 16,1%). Tỉ lệ người hút thuốc giảm đáng kể cho thấy thành công bước đầu của công tác truyền thông trong các cấp, các ngành; nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá được nâng lên, đặc biệt sau 3 năm thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá... Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận CNVC-LĐ xem nhẹ tác hại của thuốc lá, coi như một thói quen tiêu dùng; bên cạnh đó, các chế tài xử phạt đối với người hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm hút thuốc thực hiện chưa nghiêm; tình trạng vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng vẫn tiếp diễn.