Theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tờ American Journal of Preventive Medecine thì phụ nữ làm việc luân phiên ca đêm trong 5 năm hoặc hơn sẽ có một sự gia tăng tương đối về tử vong do CVD; làm đêm từ 15 năm trở lên cũng làm gia tăng tử vong do ung thư phổi. Các kết quả nghiên cứu trên đã củng cố cho bằng chứng trước đây về hậu quả tiềm tàng của việc làm luân phiên ca đêm đối với sức khỏe và tuổi thọ.
Giấc ngủ và nhịp sinh học đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch và cơ chế hoạt động chống ung thư. Có bằng chứng sinh học rõ ràng rằng công việc ca đêm làm gia tăng sự phát triển ung thư, CVD và góp phần làm tăng tỉ lệ tử vong.
Công trình nghiên cứu sức khỏe y tá đã được thực hiện tại Bệnh viện Brigham & Women (Boston - Mỹ) từ năm 1976 với 121.700 y tá nữ Mỹ tuổi 30-55. Họ được theo dõi và yêu cầu trả lời bảng câu hỏi mỗi 2 năm. Sau đó, năm 1988, thông tin về ca đêm được thu thập với sự tham gia của 85.197 nữ y tá. Sau khi loại trừ các y tá đã mắc CVD và ung thư da từ trước, còn lại 74.862 nữ y tá được phân tích dữ liệu.
Luân phiên ca đêm được hiểu là có ít nhất 3 đêm trong một tháng làm ca, thêm vào ca sáng và ca chiều. Những người được khảo sát trả lời họ đã làm việc luân phiên ca đêm trong bao nhiêu năm, theo thứ tự: chưa làm bao giờ, làm 1-2 năm, 3-5 năm, 6-9 năm, 10-14 năm, 15-19 năm, 20-29 năm và hơn 30 năm.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả theo dõi trong 22 năm và phát hiện: Luân phiên công việc ca đêm trong hơn 5 năm có liên quan đến sự gia tăng về tử vong do CVD và do mọi nguyên nhân. Trong đó, tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 11% ở phụ nữ có 6-14 năm làm ca đêm. Tử vong do CVD cao hơn 19% (ở nhóm 6-14 năm) và 23% (ở nhóm 15 năm trở lên). Riêng nhóm làm công việc ca đêm từ 15 năm trở lên có nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 25%.