Một doanh nghiệp mới thành lập và hoạt động được khoảng 6 tháng tại quận 1
(TP HCM), kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tổng số lao động trong công ty là 25 người, trong đó chính thức 9 người, còn lại là bán thời gian theo thời vụ là 16 người. Như vậy, công ty có số lao động chính thức dưới 9 người theo luật BHXH, BHYT, BHTN có bắt buộc tham gia BHXH, BHYT không? Nếu bắt buộc tham gia thì thủ tục hồ sơ như thế nào? Nếu không tham gia BHXH, BHYT có chế tài gì không?...
Những vấn đề trên cũng là thắc mắc của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM. Để hiểu rõ vấn đề này, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, trả lời như sau:
BHXH và BHYT là 2 chính sách hết sức ưu việt của Đảng và nhà nước ta, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Việc tham gia BHXH, BHYT là trách nhiệm của doanh nghiệp, của người lao động khi tham gia quá trình giao kết lao động.
Theo Luật BHXH và BHYT thì đối với doanh nghiệp có sử dụng lao động dù chỉ một người có ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều là đối tượng phải tham gia BHXH và BHYT bắt buộc.
Hồ sơ tham gia được liệt kê đầy đủ trên phiếu giao nhận hồ sơ 101/Thu (được đăng trên trang web: bhxhtphcm.gov.vn/thủ tục hồ sơ một cửa/thủ tục hồ sơ thu BHXH, BHYT, BHTN).
Việc một số công ty, đơn vị có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà không thực hiện hoặc có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định sẽ bị chế tài theo quy định. Mức chế tài tùy theo hành vi vi phạm, nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng có thể bị phạt lên đến hàng tỉ đồng và còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu vi phạm ở mức nghiêm trọng. Các hình thức chế tài có thể tham khảo trong điều 214, 215, 216 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.