Sau đây là những bí quyết giúp chăm sóc sức khỏe trí não cho bé để có thể kích thích phát triển tối đa và toàn diện.
“Tập thể dục” cho trí não
Cũng như các bộ phận khác, não cũng cần phải được tập thể dục thông qua các tương tác thông minh để có thể khỏe mạnh và phát triển vượt trội. Ngày nay, thực tế đã chứng minh rằng để thành công, bé cần được phát triển trí não toàn diện chứ không chỉ tập trung ở khía cạnh thông minh. Phát triển trí não toàn diện của bé được đánh giá dựa trên 4 khía cạnh then chốt: Trí thông minh: liên quan đến quá trình suy nghĩ như khám phá hay nhận biết đồ vật, xử lý tình huống. Vận động: liên quan đến sự phối hợp vận động của cơ thể như bò, đi chạy, vẽ, múa...Vận động càng phức tạp (vận động tinh) càng kích thích bé phát triển trí não. Cảm xúc: liên quan đến sự tương tác như mỉm cười, chơi các trò chơi, bắt chước và nhận biết cảm xúc của người khác. Giao tiếp: liên quan đến ngôn ngữ như diễn tả bằng điệu bộ, lời nói, trò chuyện... Ngôn ngữ liên quan trực tiếp đến tư duy vì nó diễn tả suy nghĩ và khả năng phân tích của bé.
Cùng bé dành thời gian vui chơi là mẹ đang giúp bé phát triển trí não toàn diện
Do vậy, khi trí não tập thể dục, các bậc cha mẹ cũng lựa chọn các tương tác tương ứng trên 4 khía cạnh này. Đây là một vài gợi ý cho các bậc cha mẹ có con từ 2 tuổi trở lên: Chơi ghép hình đơn giản; sắp xếp đồ vật theo hình dạng, màu sắc; nhận biết và gọi tên được các bộ phận trên cơ thể…Chơi trò “Cốc cốc cốc ai gọi đó”... và dạy bé cách xoay nắm tay cầm để mở cửa, chơi (đá, tung) bóng một cách khéo léo, chạy xe đạp 3 bánh, tập tự mặc quần áo... Kể chuyện cho bé nghe mỗi tối và dạy bé biểu cảm các trạng thái đa dạng: vui, giận, thất vọng,... theo các nhân vật trong truyện. Đặt câu hỏi cho bé trả lời. Ba mẹ có thể tùy theo sự phát triển của bé mà tăng dần độ khó và đa dạng của câu hỏi cho bé.
Dinh dưỡng cho trí não
Não bộ là trung tâm điều khiển trí thông minh, vận động, cảm xúc và giao tiếp nên tuy chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng lại tiêu tốn năng lượng gấp 10 lần so với các bộ phận khác. Với vai trò “tổng chỉ huy” của mình, não bé cần một chế độ dinh dưỡng riêng gồm các dưỡng chất thiết yếu như choline, i-ốt, kẽm, sắt, vitamin B12, betaglucan... và đặc biệt là DHA. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (2010), đã được chứng minh lâm sàng hỗ trợ sự phát triển trí não và hệ miễn dịch như sau: đối với trẻ sơ sinh từ 0-12 tháng: lượng DHA cần bổ sung là 17 mg/100 kcal. Đối với trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi: cần bổ sung từ 75 mg/ngày.
BS Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 2, chia sẻ thêm: “Nhiều bà mẹ biết rằng DHA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não của bé. DHA có nhiều trong thức phẩm như cá hồi, cá trích hoặc dầu hướng dương... nhưng lại không biết để đáp ứng đủ nhu cầu DHA theo mức khuyến nghị Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc/Tổ chức Y tế thế giới, bé cần ăn rất nhiều lượng thức ăn như 7 cánh gà chiên hoặc 2 quả trứng gà và 4 cánh gà chiên... Mẹ có thể thay thế lượng thức ăn khổng lồ trên bằng bổ sung nguồn dinh dưỡng cho bé mỗi ngày với 3 ly sữa cung cấp đúng hàm lượng DHA theo khuyến nghị và các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển trí não của bé”. Theo đó, một thực đơn lý tưởng cho bé từ 2 tuổi cần bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, rau củ quả, trái cây và 3 ly sữa mỗi ngày vào các bữa sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ.
Bài và ảnh: Kỳ Nam