Chiều 22-3, hơn 1 tuần sau ca ghép tim đặc biệt, sức khỏe bệnh nhi Nguyễn Thành Đ. (10 tuổi ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang hồi phục rất tốt. Các chỉ số sau ghép tim dần ổn định. Đây là trường hợp nhỏ tuổi nhất được ghép tim thành công ở Việt Nam.
Mong manh sự sống
Theo gia đình bệnh nhi, cách đây 6 tháng, cháu bị ho nhiều, mệt mỏi. Lúc đầu, gia đình tưởng cháu bị cảm cúm, thế nhưng khi khám chuyên sâu, các bác sĩ phát hiện bị suy tim. Bệnh tình nhanh chóng trở nặng khiến tính mạng của cháu bị đe dọa từng giờ. PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực Bệnh viện (BV) Việt Đức, cho biết bệnh nhi bị suy tim giai đoạn cuối, nhiều tháng qua, sự sống của bệnh nhi được duy trì bằng nhiều loại thuốc. Tuy nhiên, do tim của bệnh nhân đã giãn quá to, không thể co bóp được nên các loại trợ tim tốt nhất, liều cao nhất cũng chỉ giúp trái tim đập một cách dè dặt, thời gian sống của bệnh nhân được tính bằng tháng. “Cách điều trị duy nhất để cứu sống bé là ghép tim thật nhanh nhưng cơ hội rất nhỏ vì người cho chết não hiến tạng rất ít. Cả nước trong 1 năm chỉ có 2-3 trường hợp chết não hiến tạng. Hơn nữa cũng không phải ai cho tạng cũng có các chỉ số đồng nhất với bệnh nhân. Đặc biệt, ghép tim cho trẻ, cơ hội tìm được người hiến phù hợp gần như là không tưởng” - PGS Ước nói. Thế nhưng ngày 15-3 vừa qua, phép mầu đã đến với bệnh nhi khi gia đình một bệnh nhân chết não đã đồng ý hiến tạng có chỉ số sinh hóa trùng với bệnh nhi và 3 bệnh nhân suy tạng khác.
Hồi sinh nhờ trái tim người chết não
Tìm được trái tim đã khó nhưng khi có được nguồn hiến phù hợp các bác sĩ lại đứng trước vấn đề nan giải. “Người chết não là người lớn, trong khi bé Đ. là trẻ em, kích thước trái tim có sự khác nhau rõ rệt. Theo chuyên môn, tỉ lệ cân nặng giữa người cho và người nhận tốt nhất chỉ vênh nhau dưới 20%. Nếu tỉ lệ này càng lớn thì ghép càng khó. Còn nếu người cho nặng hơn 1,5 lần người nhận thì không có chỉ định ghép tim. Tuy nhiên trong trường hợp này, cân nặng của người cho hơn 3 lần bé Đ. hiện tại. Thế nhưng đây là đây là cơ hội vàng để ghép tim cho bé Đ. vì lượng người hiến tạng rất ít” - PGS Ước trăn trở.
Để đưa ra quyết định cuối cùng, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng của BV Việt Đức đã hội chẩn, đưa ra mọi tình huống giả định, từ kích thước buồng tim, đến việc chỉnh sửa tim làm sao cho phù hợp. PGS Ước đã vẽ mô hình, thậm chí lấy quả tim giả định dựng trực tiếp trên ngực bệnh nhân xoay các góc độ sao cho khi ghép không bị “lệch”. Sau hơn 10 giờ căng thẳng, các bác sĩ BV Việt Đức đã ghép thành công “trái tim lớn” cho bé Đ. “Bình thường, đối với những ca ghép khác, sau khi lấy được tim từ người hiến thì mới tiến hành thực hiện phẫu thuật trên người nhận. Nhưng trường hợp này, chúng tôi phải thực hiện đồng thời 2 kíp, vừa mổ lấy tim từ người hiến vừa phanh ngực người nhận. Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi mổ đã cho kết quả bất ngờ ngoài sự tưởng tượng đó là quả tim rất vừa vặn trong lồng ngực và đập tốt sau ghép” - PGS Ước cho hay.
Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - nguyên Giám đốc BV Việt Đức, chuyên gia hàng đầu về ghép tạng - mỗi ngày ở BV Việt Đức có khoảng 5 người chết não vì tai nạn và các lý do khác. Trong 2 năm qua, đã có 3 người chết não cứu sống 12 người. Tuy nhiên, nguồn tạng này đang bị lãng phí vì rất ít người chết não hiến tạng bởi người Việt luôn nghĩ chết phải nguyên vẹn, không ai muốn mổ xẻ để tặng cho người khác những bộ phận cơ thể của người thân vừa qua đời” - PGS Quyết chia sẻ.
Tri ân gia đình người hiến tạng
BV Việt Đức cho biết người chết não được gia đình đồng ý hiến tạng cứu 4 người suy tạng (1 người được ghép tim, 1 người ghép gan và 2 người ghép thận) cách đây ít ngày là một chàng trai 19 tuổi, ra đi vì một tai nạn. Cảm kích bởi cậu con trai nhỏ được tái sinh từ lòng tốt của một người xa lạ, chị Nguyễn Thị Mai Ph., - mẹ bệnh nhi Đ. được ghép tim - mong muốn gặp gia đình chàng trai để bày tỏ lòng tri ân. “Cháu được tái sinh nhờ trái tim của một chàng trai trẻ. Con tôi được sống đồng nghĩa với việc có gia đình khác đã mất đi người thân. Vì thế, tôi chỉ mong được gặp gia đình người con trai ấy để nói lời cảm ơn” - chị Ph. nghẹn ngào.