Câu chuyện tưởng như vô lý nhưng được GS-TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nhắc lại nhiều lần tại buổi chia sẻ thông tin với người bệnh và người nhà bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp mới đây như một cảnh báo về những quan niệm sai lầm của người dân trong việc phòng bệnh.
Chuyên gia cảnh báo
Theo GS Việt, có những bệnh nhân rất bất ngờ khi bác sĩ thông báo kết quả bị tăng huyết áp, mỡ máu cao mặc dù họ nhiều năm liền ăn chay nhằm mục đích phòng các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi. "Đây không phải những trường hợp hiếm gặp. Thực tế không chỉ những người ăn bình thường, ăn thịt cá, mỡ mới bị mỡ máu cao mà cả những người ăn chay cũng bị mỡ máu cao" - GS Việt nói.
Các chuyên gia tim mạch cho biết mỡ máu cao không phải chỉ do ăn mỡ mà là do ăn các thực phẩm thừa năng lượng như ăn quá nhiều tinh bột. Khi dùng thức ăn béo, hầu hết mỡ hình thành dưới dạng chất béo trung tính gọi là triglycerid hoặc khi tiêu thụ quá nhiều bột, nhiều calo cũng được chuyển đổi thành triglycerid và lưu trữ bên trong các tế bào mỡ. Do đó, có nhiều người tuy ăn chay trường như nhà sư vẫn mắc bệnh rối loạn chuyển hóa, mỡ máu cao. Nguyên nhân là do các thực phẩm ăn chay có nhiều chất dinh dưỡng, như xôi, các loại đậu, đặc biệt là đậu tương cũng chứa tới 15%-25% chất đường, 15%-20% chất béo, 35%-45% chất đạm... đó là chưa kể các món chay hiện nay được chế biến gần như các món mặn dùng quá nhiều dầu chiên và dầu được chiên đi chiên lại làm biến đổi chất lượng dầu, làm tăng chất cholesterol xấu LDL, giảm cholesterol tốt HDL trong máu. Điều nguy hiểm khi bị mỡ máu cao là nếu không điều trị về lâu dài sẽ có thể dẫn đến biến chứng: xơ, dày thành mạch máu, làm tăng huyết áp, tắc mạch máu gây tai biến, suy tim. Nhiều người chỉ vô tình phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc thấy huyết áp cao, đau đầu, được làm thêm xét nghiệm máu thì đã thấy bị mỡ máu cao.
Đo huyết áp mỗi ngày là biện pháp đơn giản nhất để phát hiện sớm bệnh lý tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp gia tăng ở độ tuổi dưới 35
Chia sẻ các biện pháp kiểm soát căn bệnh tăng huyết áp đang gia tăng chóng mặt, PGS- TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết bệnh lý tăng huyết áp đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều người dưới 35 tuổi cũng bị tăng huyết áp, trong khi trước đây bệnh thường gặp là trên 45 tuổi. Tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề biết là mình đang mắc phải. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra chảy máu vào trong não. Điều này có thể gây ra một cơn đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến suy thận, mù lòa, vỡ mạch máu và suy giảm nhận thức. "Khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần ý thức được việc thay đổi các thói quen lối sống không tốt và kiểm soát tốt huyết áp ngay từ giai đoạn đầu với sự hỗ trợ của bác sĩ. Mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là kéo dài tuổi thọ và tránh biến chứng đối với tim, não, thận và mắt" - PGS Hùng lưu ý.
GS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo cùng với việc đo huyết áp mỗi ngày người bị tăng huyết áp cũng không nên ám ảnh căn bệnh này mà đo quá nhiều. "Một ngày đo 2 lần theo giờ nhất định là phù hợp, tăng cường vận động, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày" - ông lưu ý.