Điều mà chúng tôi làm được ngay tức khắc đó là hỗ trợ và hướng dẫn khách hàng sơ cấp cứu qua điện thoại, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ cấp cứu tại địa phương nơi khách hàng gặp nạn. Sau đó sẽ tổ chức các dịch vụ cấp cứu vận chuyển để đưa bệnh nhân về bệnh viện (BV) phù hợp” - ông Rafi Kot, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Phòng khám Family Medical Practice (FMP), cho biết.
Phòng cấp cứu di động
Trước đây, khi một người gặp tai nạn hoặc gặp bất kỳ trường hợp cần cấp cứu khác, họ chỉ đơn giản gọi taxi, gọi xe cứu thương không đủ tiêu chuẩn hay gọi đến BV chỉ có nhân viên lễ tân chịu trách nhiệm điều phối xe cứu thương.
Sự ra đời dịch vụ cấp cứu mới, bao gồm hệ thống phản ứng nhanh của tổng đài viên hướng dẫn sơ cứu trước khi đội cấp cứu cùng xe cứu thương đến, sẽ giúp giảm thiểu rủi ro về tính mạng hoặc các biến chứng tai nạn cho nạn nhân. Cụ thể hơn, trước khi xe cứu thương có mặt, đội ngũ chuyên viên cấp cứu FMP sẽ liên tục giữ liên lạc với người tại hiện trường để đưa ra hướng dẫn sơ cấp cứu tại chỗ trong các tình huống khẩn. Các chuyên viên cấp cứu của FMP đều phải vượt qua quá trình đào tạo nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế của Học viện Điều phối cấp cứu quốc tế (IAED).
“Thời gian đáp ứng đối với điểm xa nhất trong khu vực định danh cấp cứu là 14 phút. Đội xe FMP được phân bố khắp nơi chứ không tập trung ở phòng khám nên sẽ rút ngắn thời gian đến nơi cấp cứu” - bác sĩ Rafi Kot khẳng định.
Được đánh giá là xe cấp cứu hiện đại nhất Việt Nam, mỗi xe FMP là một phòng cấp cứu di động có thể duy trì sự sống cho bệnh nhân lên đến 72 giờ. Các thông số và dữ liệu của bệnh nhân được truyền trực tiếp từ xe cứu thương tới đội ngũ cấp cứu tại phòng khám, cho phép các bác sĩ trao đổi trong suốt quá trình chuyển bệnh và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.
Giới hạn khu vực để bảo đảm chất lượng
Theo bác sĩ Rafi Kot, việc đặt vùng giới hạn cho dịch vụ xe cấp cứu vì không đạt được xe đến hiện trường tại một số quận xa trung tâm thành phố trong thời gian 15 phút, theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tháng 11, FMP sẽ có thêm 4 xe và số lượng sẽ được cân nhắc tăng thêm khi nhu cầu dịch vụ tăng lên và định hướng là sẽ nhận 30 - 35 lần xuất xe trong 1 ngày.
“Trong mỗi 4 tháng, chúng tôi sẽ bổ sung vào phạm vi này thêm 1 quận, trung bình một năm sẽ thêm 3-4 quận và dần dần sẽ bao phủ toàn thành phố. Việc bao phủ toàn thành phố một lần là rất khó nên chúng tôi sẽ mở rộng dần dần để bảo đảm chất lượng” - bác sĩ Rafi Kot cho biết thêm.
Được biết, dịch vụ *9999 hoạt động trong khu vực quận 1, 2, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và sẽ được mở rộng vào đầu năm 2017. Phí thường niên dịch vụ là 575.000 đồng/người/năm. Trong năm đó, bệnh nhân có thể gọi nhiều lần và được sử dụng trọn dịch vụ cấp cứu, trước khi được chuyển đến BV. Phí phát sinh sau khi được BV tiếp nhận sẽ do người bị nạn thanh toán cho BV được đưa đến.