Để giải quyết tình trạng này, năm 2016, ngành BHXH sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và tăng cường nhiều giải pháp để xử lý các doanh nghiệp (DN) chây ì, cố tình nợ, trốn đóng bảo hiểm.
Nhiều doanh nghiệp “lờn thuốc”
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2015 khoảng 7.567 tỉ đồng, giảm so năm 2014 hơn 1.400 tỉ đồng. Trong đó, số nợ BHXH khoảng 5.692 tỉ đồng, nợ BHYT là 1.560 tỉ đồng, BHTN là 315 tỉ đồng; có khoảng 103.000 DN nợ với số tiền khoảng 5.300 tỉ đồng…
Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban Thu - BHXH Việt Nam, cho biết tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH vẫn đang xảy ra ở tất cả các địa phương. Việc tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm, mà biểu hiện là tình trạng trốn đóng BHXH, đăng ký số người tham gia BHXH và mức tiền lương, tiền công tham gia BHXH thấp hơn so với tiền lương thực tế. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Liệu cho rằng ngoài những tác động của suy thoái kinh tế khiến DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thì lãi suất tiền phạt chậm đóng BHXH còn thấp và các chế tài xử phạt chưa cao… đã khiến DN “lờn thuốc”. Theo quy định, DN chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên sẽ phải trả lãi bằng với lãi suất đầu tư của BHXH Việt Nam, hiện là 0,988%/tháng, tương ứng khoảng 11,8%/năm. So với vay ngân hàng, mức lãi này vẫn còn “dễ chịu” nên nhiều DN chây ì vì chậm đóng BHXH sẽ có lợi hơn đi vay.
Cũng theo ông Liệu, thời gian qua, khởi kiện được xem là một biện pháp mạnh để xử lý đối với những DN có số nợ BHXH lớn và kéo dài nhưng trên thực tế, việc khởi kiện và thi hành án đối với những DN này đang gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng truy thu cũng gặp khó khăn, phức tạp do người lao động đã nghỉ việc, đơn vị không lưu giữ hồ sơ tuyển dụng nên khó trong quản lý thu nộp… Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy khi khởi kiện các DN nợ BHXH, có khoảng 30% DN đã thực hiện ngay việc đóng BHXH, khoảng 40% DN chấp nhận để thụ lý vụ án, còn lại tới 30% DN gặp phải tình trạng rất khó khăn, như phá sản, giải thể hoặc chờ giải thể…

Người lao động tra cứu các thông tin về chính sách BHXH, BHYT
Tăng cường thanh tra chuyên ngành
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016, cơ quan bảo hiểm có thêm chức năng thanh tra việc đóng BHXH của DN. Như vậy những loại tiền được xác định là phụ cấp nhưng DN lại lách bằng cách chuyển sang loại khác thì thanh tra sẽ phát hiện được. Để đáp ứng yêu cầu này, trong năm 2015, ngành BHXH phối hợp cùng Thanh tra Chính phủ triển khai đào tạo 500 cán bộ ngành có chứng chỉ thanh tra. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết đội ngũ này đang kết hợp với lực lượng thanh tra ngành lao động - thương binh và xã hội hiện đang có khoảng hơn 570 người để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương.
Ông Đỗ Văn Sinh nhấn mạnh, cán bộ thanh tra của ngành BHXH sẽ chỉ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN và BHYT theo quy định của Luật BHXH và quy định khác của pháp luật có liên quan, tránh việc gây khó khăn, phiền hà cho các cá nhân, tổ chức và DN. Trong quy định của Luật BHXH năm 2014, các hành vi vi phạm về đóng BHXH bao gồm: trốn đóng BHXH, BHTN; chậm đóng tiền BHXH, BHTN; chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN. Theo quy định tại điều 122 của Luật BHXH, người sử dụng lao động, người lao động có hành vi vi phạm nêu trên từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 22 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH (gấp đôi so với lãi suất tính lãi quy định cũ).
Theo BHXH Việt Nam, hiện cả nước có gần 600.000 DN đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, mới có khoảng 200.000 DN tham gia BHXH. Trên thực tế, nhiều DN có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng không tồn tại hoặc có quy mô quá nhỏ. Do đó, năm 2016, BHXH Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra số DN còn lại để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Ngành BHXH phối hợp cơ quan thuế, đề nghị các DN phải kê khai đóng BHXH cho người lao động; đối với lao động không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc cũng phải có xác nhận giữa ngành BHXH và ngành thuế. Có như vậy mới quản lý được số DN ngoài quốc doanh, chủ yếu là DN vừa và nhỏ như hiện nay...
TP HCM: Khởi kiện hơn 1.900 doanh nghiệp nợ tiền BHXH Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết năm 2015, số nợ BHXH, BHYT, BHTN của TP hơn 1.294 tỉ đồng, chiếm 3,68% so với kế hoạch thu cả năm. Mặc dù BHXH TP đã có quy chế phối hợp với Cục Thuế TP, đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương cung cấp danh sách đơn vị sử dụng lao động mới tham gia nhưng chỉ khoảng 54.676 đơn vị tham gia BHXH ngoài khu vực nhà nước (hơn 1,5 triệu lao động, chiếm khoảng 76,7% số người tham gia BHXH toàn TP). Theo thống kê năm 2015, BHXH TP HHCM đã phối hợp với tòa án tiến hành lập hồ sơ khởi kiện các DN nợ quỹ BHXH. Trong năm 2015, đã nộp đơn khởi kiện 1.905 đơn vị với tổng số nợ quỹ BHXH là hơn 530,2 tỉ đồng. Qua đó BHXH thu hồi được cho người lao động gần 200 tỉ đồng, số còn lại sẽ tiếp tục thu hồi khi đã hoàn tất quá trình xét xử và thi hành án. |
Bài và ảnh: Ngọc Dung