Luật còn đưa ra những quy định để thực hiện lộ trình bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, sự bền vững của hệ thống BHXH.
Mở rộng đối tượng tham gia
Luật BHXH sửa đổi (còn gọi là Luật BHXH năm 2014) được thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, gồm 9 chương, 125 điều, quy định chế độ, chính sách BHXH; quyền và trách nhiệm của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ); cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến BHXH, tổ chức đại diện tập thể lao động, tổ chức đại diện NSDLĐ; cơ quan BHXH; Quỹ BHXH; thủ tục thực hiện BHXH và quản lý nhà nước về BHXH. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
Theo ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, việc sửa đổi Luật BHXH đã cơ bản đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện pháp luật về BHXH nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp nền kinh tế thị trường. Đồng thời, khắc phục những hạn chế trong chính sách, pháp luật BHXH hiện hành và nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện, tiến tới BHXH cho mọi NLĐ.
Theo Luật BHXH sửa đổi, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng đến NLĐ có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, NLĐ là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Luật cũng bỏ quy định giới hạn trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện cho nên mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc có nguyện vọng đều được tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời hạ mức thu nhập đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở) xuống bằng mức chuẩn nghèo bình quân khu vực nông thôn. Thay đổi phương thức đóng BHXH tự nguyên theo hướng linh hoạt hơn, như cho phép đóng mỗi năm một lần, một lần cho nhiều năm trong quá khứ hoặc trong lương lai.

Luật BHXH sửa đổi bổ sung nhiều nội dung liên quan đến quyền lợi của người lao động
Bổ sung nhiều quyền lợi
Cũng theo ông Nguyễn Đình Khương, Luật BHXH lần này đã sửa đổi một số nội dung về các chế độ BHXH theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, từng bước thực hiện nguyên tắc cân bằng đóng - hưởng. Đối với chế độ, chính sách BHXH, nhìn chung các thay đổi đều hướng đến tính nhân văn, nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Những thay đổi lớn chủ yếu là chế độ thai sản và hưu trí. Riêng với chế độ thai sản, lần đầu tiên trong chính sách BHXH Việt Nam quy định nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con và cũng lần đầu tiên luật quy định về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi.
Ông Điều Bá Được, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH - BHXH Việt Nam, cho biết Luật BHXH bổ sung quy định lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc đối với trường hợp sinh thường và 7 ngày làm việc đối với trường hợp sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu sinh đôi và từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật. Đồng thời, với trường hợp lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng nhưng vì lý do thai không bình thường phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chỉ cần bảo đảm điều kiện đóng BHXH từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Sửa đổi thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi. Bổ sung trường hợp lao động nam nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng BHXH giống như lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.

Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, mức đóng BHXH sẽ thay đổi từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017. Việc đóng BHXH sẽ dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ ngày 1-1-2018 trở đi, NLĐ đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. NLĐ sẽ đóng 8% và doanh nghiệp (DN)sẽ đóng 18%, chiếm 26% lương hằng tháng. Như vậy, NLĐ sẽ có cơ hội tích lũy tài sản lâu dài và nhận được nhiều lương hưu hơn so với hiện tại. So với nhiều quốc gia khác trên thế giới, độ tuổi nghỉ hưu trung bình của người Việt thấp, chỉ khoảng 54,2 (bình quân 55,6 với nam và 52,6 với nữ), còn thế giới là 60-62. Bên cạnh đó, với mỗi năm đóng BHXH, lao động nữ nhận được bình quân 3% lương hưu, còn lao động nam được 2,5%.
Đổi mới phương thức thanh toán
Theo ông Nguyễn Đình Khương, Luật BHXH sửa đổi quy định rõ việc thực hiện BHXH phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia BHXH. Luật BHXH sửa đổi quy định cơ quan BHXH có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN và các nhiệm vụ khác theo quy định của luật và hướng dẫn của Chính phủ. Ngoài chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH còn được quyền yêu cầu NSDLĐ xuất trình hồ sơ liên quan đến việc đóng - hưởng BHXH, BHYT, BHTN; quyền được cơ quan quản lý kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cung cấp một số thông tin của tổ chức, cá nhân... “Đây là những nội dung rất quan trọng để nắm bắt được số lượng đơn vị sử dụng lao động, số lượng lao động cũng như biến động về lao động, tiền lương, tiền công làm cơ sở để tổ chức thu BHXH, giải quyết các chế độ BHXH của NLĐ” - ông Khương nhấn mạnh.
Luật quy định việc hiện đại hóa trong quản lý BHXH, khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện BHXH; đến năm 2020, hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH trong cả nước. Theo đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chuyên nghiệp hóa nghiệp vụ, giảm chi phí quản lý, giảm thiểu các thủ tục hành chính cho DN, NLĐ. Tính đến đầu năm 2016, BHXH Việt Nam đã cắt giảm hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện của tất cả lĩnh vực nghiệp vụ từ thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT đến giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN. Cụ thể, đã cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 33 thủ tục hành chính; giảm 56% số lượng hồ sơ; giảm 82% chỉ tiêu trên tờ khai, biểu mẫu; giảm 78% quy trình, thao tác thực hiện. Đồng thời, quy định nhiều hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để DN lựa chọn (giao dịch điện tử, giao dịch qua dịch vụ bưu chính...); chuyển đổi tác phong, lề lối làm việc theo hướng phục vụ, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính. Theo BHXH Việt Nam, hiện toàn ngành vẫn đang nỗ lực triển khai nhằm cắt giảm thời gian, chi phí với không chỉ DN mà với tất cả tổ chức, cá nhân. Đối với DN, dự kiến sẽ giảm được 290 giờ, từ 335 giờ/năm còn 45 giờ/năm. Đối với cá nhân, BHXH Việt Nam đã bãi bỏ 11 thành phần hồ sơ, qua đó tiết kiệm được hàng chục tỉ đồng cho cá nhân và xã hội.
Để Luật BHXH sửa đổi đi vào cuộc sống và triển khai hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự cộng tác của người dân. Ông Khương khẳng định: Ngành BHXH cũng xác định mỗi cán bộ BHXH phải là một tuyên truyền viên, những cơ quan, đơn vị làm dịch vụ là “cánh tay” nối dài giữa BHXH với người dân.
Năm 2015, chi trả BHXH, BHYT 201.600 tỉ đồng Theo Cơ quan BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 12-2015, tổng số tiền thu được ước đạt 211.000 tỉ đồng, đạt 103,63% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, thu BHXH bắt buộc là 142.400 tỉ đồng; thu BHTN 9.300 tỉ đồng, thu BHXH tự nguyện 900 tỉ đồng, thu BHYT 58.400 tỉ đồng. Cũng trong năm 2015, toàn ngành ước thực hiện chi trả BHXH, BHYT với tổng số tiền 201.600 tỉ đồng, tăng 12,1% so với năm 2014. Trong đó, chi BHXH 146.600 tỉ đồng, chi bảo hiểm tự nguyện 4.400 tỉ đồng, chi BHYT là 50.500 tỉ đồng. |
Bài và ảnh: Hải Anh