Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các huyện của tỉnh Bến Tre, TS. Phan Thị Ngàn - Phó trưởng khoa Du lịch và Việt Nam học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chủ nhiệm đề án "Xây dựng mô hình nông dân Bến Tre làm du lịch" do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp tỉnh Bến Tre thực hiện cho biết: chương trình tour nằm trong khuôn khổ đề án mà chúng tôi đã ấp ủ và triển khai suốt 2 năm qua với mong muốn đẩy mạnh công tác quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre đến khách hàng trong và ngoài nước, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối giao thương. Với tình yêu lớn lao dành cho quê hương Đồng Khởi, chúng tôi tin tưởng những chương trình xúc tiến thương mại này sẽ đánh thức tiềm năng của các sản phẩm đặc hữu của tỉnh nhà trong thời gian tới; đồng thời giúp địa phương tiêu thụ các sản phẩm này một cách ổn định và đúng giá trị hơn.
Tại huyện Thạnh Phú, đoàn đã tham quan Công ty TNHH chế biến thủy sản Phát Huy với sản phẩm tiêu biểu là cá đù, cá bông lau và cá rô phi một nắng cùng HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong với thế mạnh là xoài tứ quý, cua biển. Theo báo cáo của ông Mai Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, huyện có 14 sản phẩm được công nhận OCOP; trong đó 3 sản phẩm đạt 4 sao và 11 sản phẩm đạt 3 sao. Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được huyện đánh giá là tiềm năng để người dân nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập. Đạt chứng nhận OCOP là cơ hội để sản phẩm phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, huyện có điểm du lịch Cồn Bửng đạt khu du lịch cấp tỉnh, là cơ hội lớn để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch thời gian tới.
Sau 2 năm ngưng trệ bởi dịch bệnh, hoạt động du lịch tại huyện Mỏ Cày Nam đã có nhiều tín hiệu khởi sắc với lượng khách tham quan du lịch trên địa bàn huyện đạt 156.253 lượt, ước tính doanh thu 6 tỷ đồng. Đặc biệt, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được chú trọng với 27 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao trở lên. Sau khi được đánh giá xếp hạng, nhiều sản phẩm đã được các đơn vị phân phối, bán lẻ, giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ký kết hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn, giá trị và doanh thu bán sản phẩm tăng đáng kể. Hiện huyện đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư Đề án du lịch Làng dừa Mỏ Cày Nam; nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng bến bãi phục vụ du lịch Cồn Thành Long, xã Thành Thới A; kêu gọi đầu tư Làng Du kích xã Định Thủy gắn với phát triển mạnh loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân (homestay). Hiểu được thế mạnh của mình, huyện chú trọng phát triển các loại hình du lịch mang hơi thở đời sống sông nước, miệt vườn, tham quan các làng nghề truyền thống, các di tích văn hóa lịch sử, cách mạng, lưu trú dạng homestay nhằm thu hút khách du lịch đến huyện trong một hành trình của các tour du lịch. Các sản phẩm thương mại, làm quà tặng của địa phương điển hình nhất là kẹo dừa, kẹo chuối của Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Phụng và dừa sấy giòn vị của Công ty TNHH Funny Fruit.
So với 2 huyện trên, Châu Thành có sự đầu tư chuẩn mực và cạnh tranh hơn với HTX bưởi da xanh Bến Tre được Canada tham gia tài trợ, hợp tác. Hiện HTX có 7 mặt hàng chủ lực đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu sang Mỹ, Canada, châu Âu và 3 sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP; trong đó bưởi tươi và nước ép bưởi đạt chuẩn 4 sao; nước ép xoài cam đạt chuẩn 3 sao. Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Tân Phú với thương hiệu "sầu riêng cô Thinh" đạt chuẩn OCOP cũng là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách với các sản phẩm đa dạng như sầu riêng, chuối khô, vú sữa hoàng kim… Là một HTX với 95% nhân sự là nữ, các "nữ tướng" nông dân trong bộ bà ba duyên dáng, trải lòng qua các giai điệu đờn ca tài tử, phục vụ khách bằng những đặc sản cây nhà lá vườn…. chắc chắn sẽ níu chân du khách nhiều lần trong mỗi hành trình du lịch.
Tuy công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại 3 huyện còn gặp không ít khó khăn do các hộ kinh doanh cá thể thiếu ứng dụng công nghệ trong sản xuất và hạn chế trong công tác quảng bá sản phẩm, nhưng với quyết tâm của trường Đại học Nguyễn Tất Thành cùng các đoàn khảo sát, những đặc sản của Bến Tre sẽ có cơ hội hiện diện tại nhiều địa phương trong cả nước cũng như vươn xa ra toàn cầu trong tương lai.