Cuộc khảo sát được thực hiện với 6.241 bậc cha mẹ ở 15 quốc gia, trong đó gần một nửa số người tham gia khảo sát (48%) xếp Mỹ là một trong ba điểm đến hàng đầu trong số 50 quốc gia được đưa ra trong bảng lựa chọn.
Khi được yêu cầu đưa ra một lý do cho sự lựa chọn này, đa số cha mẹ (59%) nói rằng đó là vì chất lượng giáo dục tốt hơn và 29% nói rằng vì cơ hội việc làm tốt hơn.
Tương tự, tính trên phạm vi toàn cầu, những lý do hàng đầu giải thích tại sao cha mẹ cân nhắc một quốc gia khi cho con đi du học cũng chính là chất lượng giáo dục (54%) và triển vọng việc làm tốt mà quốc gia đó có thể tạo ra cho con cái của họ (26%).
Đại học Harvard - niềm mơ ước của sinh viên toàn cầu
Dù Mỹ cũng là điểm đến đắt đỏ nhất, với học phí đại học trung bình hằng năm lên đến 33.215 đô la Mỹ với sinh viên quốc tế.
Mặc dù không nằm trong danh sách các nước được khảo sát, nhưng tại Việt Nam cũng đang diễn ra xu hướng ngày càng nhiều phụ huynh cho con đi du học Mỹ.
Theo thống kê mới nhất của Hệ thống Thông tin về Sinh viên và Khách mời trao đổi (Student and Exchange Visitor Information – SEVIS) (tháng 3/2016), Việt Nam xếp thứ 6 (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ả Rập Saudi và Canada) trong số 10 quốc gia có số lượng du học sinh cao nhất tại Mỹ, với 29.101 sinh viên đang theo học tại tất cả các bậc học và chương trình đào tạo.
Chỉ trong vòng một năm từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016, số lượng sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã tăng 11,1%, chỉ đứng sau Ấn Độ (31,1%) thậm chí vượt Trung Quốc (7,9%).
Ngoài Mỹ, các nước Úc, Nhật Bản, Canada, Anh và New Zealand cũng thu hút nhiều sinh viên Việt Nam. ông Allan Goodman, Chủ Tịch kiêm CEO của Viện Giáo dục quốc tế, nhận xét:
“Triển vọng việc làm tốt hơn, cơ hội khám phá những nền văn hóa mới, trải nghiệm quốc tế, trau dồi ngoại ngữ là những lợi ích quan trọng nhất của việc đi du học. Trên hết, các du học sinh có thể chắc chắn rằng du học chính là một khoản đầu tư cho tương lai”.
Tuy vậy, Đức lại được xem là điểm đến có chất lượng toàn diện dành cho sinh viên quốc tế.
Xét trên tổng thể các yếu tố bao gồm chất lượng giáo dục đại học, triển vọng việc làm và chất lượng sống, Đức là quốc gia được xếp hạng cao nhất, kế tiếp là Singapore, Canada và Nhật Bản. Mỹ chỉ đứng ở vị trí thứ 5.
“Đức đạt được điểm số cao nhờ vào chính sách miễn học phí và mức sống vừa phải.
Tại đây cũng có nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Các sinh viên mới tốt nghiệp ở Đức có thể tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm tại đây cũng như các nước Châu Âu khác và trên thế giới” – ông Allan Goodman nhận định.
Khảo sát của HSBC cho thấy, khoảng 35% các bậc phụ huynh trên thế giới cân nhắc cho con đi học đại học ở nước ngoài. Trong số này, tỷ lệ cao nhất thuộc về phụ huynh Indonesia (60%).
Tiếp đến là các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (58%), Hong Kong (54%), Ấn Độ (47%) và Trung Quốc (44%). Các quốc gia có ít cha mẹ cân nhắc cho con đi du học đại học là Ai Cập (10%), Úc và Pháp (đều 16%).
Theo ông Sabbir Ahmed, Giám đốc Dịch vụ khách hàng cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam, một nền giáo dục quốc tế cho con cái là mong mỏi hàng đầu của các bậc cha mẹ.
Tuy nhiên, đi kèm với kỳ vọng là khoản chi phí rất cao, không chỉ học phí mà cả phí sinh hoạt và vé máy bay. Chính vì thế, việc lên kế hoạch sớm và tiết kiệm thường xuyên có thể giúp các gia đình vượt qua những rào cản tài chính, mở ra cơ hội cho con cái”.
Dưới đây là bảng xếp hạng 10 quốc gia được các bậc phụ huynh cân nhắc cho con đi du học đại học nhiều nhất, theo khảo sát của HSBC: