Điều này cho thấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia phản ánh phần nào chất lượng học tập của học sinh (HS). Tuy nhiên, vẫn còn yếu tố thành tích trong việc xét tốt nghiệp THPT cho HS khi điểm học và điểm thi THPT quốc gia của HS còn quá chênh lệch.
"Cứu" thí sinh bằng kết quả lớp 12
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng theo cách tính hiện tại, điểm xét tốt nghiệp được tính một nửa là điểm thi THPT quốc gia còn một nửa tính điểm trung bình các môn học lớp 12 thì tỉ lệ tốt nghiệp năm nay vẫn lên tới hơn 90% như các năm trước. Nghĩa là cao gấp rưỡi con số tính bằng điểm thi.
Khi sử dụng điểm học tập để xét tốt nghiệp, thí sinh chỉ cần bài thi không bị điểm liệt là đủ điểm để tốt nghiệp. Vì chỉ cần thí sinh được 4 điểm thi thì với 6 điểm học, cộng các điểm ưu tiên, khuyến khích là đủ tốt nghiệp.
Thậm chí là với điểm thi bằng 2 nhưng điểm học của thí sinh là 8 thì vẫn có thể đủ tốt nghiệp.
Trong khi đó, với các bài thi hầu hết theo phương thức trắc nghiệm như năm nay, theo lý thuyết thì thí sinh chỉ làm đủ bài cũng được từ 2-2,5 điểm. Vì thế, tỉ lệ tốt nghiệp từ năm 2014 tới nay, dù có thay đổi chút ít nhưng vẫn đều đặn trên 90%.
Như vậy có thể thấy là cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT như hiện nay đang "cứu" 1/3 số HS đỗ tốt nghiệp nhưng thực chất là trượt nếu chỉ dựa vào điểm thi.
Với trên 90% thí sinh tốt nghiệp THPT, vấn đề đặt ra là có nên duy trì kỳ thi THPT nữa hay không? Thạc sĩ, luật sư Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Hồng Bàng, cho rằng nhiều nước tiên tiến hiện nay đã bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Tôi nghĩ Việt Nam đã đến lúc làm điều đó. Bởi thực tế, hằng năm chúng ta vẫn tổ chức kỳ thi này tiêu tốn không nhỏ tiền của xã hội. Hơn nữa, với bệnh thành tích như hiện nay, con số hơn 90% thí sinh đỗ tốt nghiệp khiến cho kỳ thi này không còn nhiều ý nghĩa. Để bỏ kỳ thi cần phải sửa luật để cho phù hợp với luật. Việc này không gặp nhiều khó khăn nếu như xét thấy việc bỏ thi tốt nghiệp đem lại lợi ích cho xã hội thì thay đổi về luật cũng là điều chúng ta cần làm.
Thí sinh thi THPT quốc gia 2017
Không thi, học sinh không chịu học
Theo thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, thay vì phải tổ chức thi, học xong, các trường sẽ cấp giấy chứng nhận đã học hết chương trình lớp 12, hoàn thành chương trình phổ thông cho HS. Để bỏ thi tốt nghiệp, chúng ta cần làm nhiều việc. Một trong số đó là việc phân luồng giáo dục. Theo ông, giáo dục cơ bản là 9 năm thống nhất cho mọi địa bàn, mọi nhóm đối tượng; THPT là 3 năm. HS có thể lựa chọn 3 luồng chính là hàn lâm (các chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu), ứng dụng và thực hành (nối các chương trình đào tạo kỹ năng mang tính thực hành ở bậc thấp với các chương trình đào tạo mang tính nghiệp vụ ở trình độ cao).
Ngay cả bậc ĐH cũng cần có sự phân luồng và thay đổi trong việc đào tạo của các trường. Sẽ có những trường chuyên đào tạo kinh tế, trường đào tạo ứng dụng, trường đào tạo nghiên cứu… Như vậy, chúng ta sẽ bảo đảm được nhiệm vụ học văn hóa (12 năm) và học ĐH, học nghề theo nhu cầu xã hội.
Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng cho rằng ở Việt Nam nếu không thi, bảo sẽ không chịu học. Ông cho biết trước đây, ông đã từng đề xuất cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho 30% thí sinh có thành tích học tập thấp nhất, còn lại 70% thí sinh sẽ được miễn thi. Theo cách đó, bảo sẽ phải học để được lọt vào tốp 70% để miễn thi, còn lại 30% vẫn sẽ phải thi. Tuy nhiên, khi đó kỳ thi tốt nghiệp sẽ không còn là điều gì quá khó khăn, nó chỉ là sự công nhận để đạt chuẩn. Còn việc xét tuyển, về nguyên tắc, phải để các trường ĐH tự lo. Và trong xu thế hiện nay, các trường cũng đang chủ động trong việc này.
Theo TS Tùng, trong tương lai, nhà nước hoặc bên thứ ba nào đó có đủ uy tín có thể tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực để các trường có thể dựa vào đó làm kết quả chính để xét tuyển.