Anh Lê Hữu Nghị (27 tuổi, ngụ Quận 8, TP HCM), một trong những người đam mê khám phá, cho rằng để tìm kiếm một công ty chuyên về tổ chức tour trekking, khám phá mạo hiểm rất khó. "Nếu có, chi phí tour cũng khá cao. Trong khi đó, bạn chỉ cần lên mạng, gõ từ khóa "phượt" hoặc "trekking", kết quả sẽ hiển thị vô vàn thông tin những nhóm hoặc cá nhân nhận tổ chức tour mạo hiểm", anh Nghị nói.
"Đây là một trong những cung trekking thu hút không chỉ giới nhiếp ảnh mà còn là điểm đến của nhiều người thích khám phá thiên nhiên kèm mạo hiểm. Cũng chính vì thế, nhiều nhóm, cá nhân đứng ra tổ chức tour theo hình thức tự phát", anh Nghị nói.
Hiện nay có nhiều nhóm/cá nhận tự phát đứng ra tổ chức dẫn đoàn cho đường tour này. Trong đó, nổi bật nhất là N.T. (Gia Lai), M.T. Trekking (Đà Lạt) và V.N.D. Team Trekking (TP HCM). Giá tổ chức cho tour trekking của những nhóm, cá nhân này cũng khác nhau.
Theo hành trình khám phá thác Hang Én (2 ngày 1 đêm), đoàn khởi hành từ TP HCM bằng xe giường nằm đến huyện K’Bang. Sau đó, di chuyển bằng xe trung chuyển vào khu bảo tồn Kon Chư Răng trước khi trekking khoảng 15 km để đến thác K50.
Thành viên nhóm V.N.D. Team Trekking cho biết, tour này có giá 3,350 triệu đồng/ khách. Mức giá đó đã bao gồm chi phí các bữa ăn, vé xe giường nằm khứ hồi TP HCM - K’Bang, có bao gồm bữa ăn chiều tại trạm dừng nghỉ. "Ngày 27 - 28/6 sẽ có lịch khởi hành. Nếu đi, khách điền thông tin vào phiếu đăng ký và thanh toán 100% chi phí qua tài khoản ngân hàng", người này nói.
Trong khi đó, với cung đường này, N.T. báo giá 2,9 triệu đồng/khách, đón tại TP HCM. Nếu chúng tôi tự lo phương tiện để tới Gia Lai, giá chỉ còn 2,7 triệu đồng, đã bao gồm xe trung chuyển.
Hầu hết những nhóm này đều hoạt động dựa trên kinh nghiệm của cá nhân hoặc các thành viên chứ không phải đơn vị tổ chức tour chuyên nghiệp. Khi được hỏi về hợp đồng tour hoặc bảo hiểm du lịch, tất cả đều không có. Nghĩa là nếu không may gặp sự cố nguy hại đến sức khỏe, khách sẽ phải tự chịu trách nhiệm, điển hình như trường hợp của một thành viên tham gia nhóm trekking cung thác K50 trong tháng 6. Do trời mưa, đường trơn trượt khó đi, người này đã bị ngã. "Chỉ một chút xíu nữa là mình rơi xuống vực. May mắn mình chỉ bị trầy xước ngoài da chứ không nguy hiểm đến tính mạng", nam thanh niên giấu tên cho hay.
Trả lời VnExpress, đại diện Sở VHTTDL Gia Lai khẳng định có nghe phản ánh về tình trạng mở tour trekking mạo hiểm tự phát cho cung khám phá thác K50, đỉnh núi Chư Nâm... Với tour dạng này, ban quản lý khu bảo tồn hoặc kiểm lâm là những người trực tiếp xử lý.
"Dưới gốc độ quản lý nhà nước về du lịch, rõ ràng hoạt động tự phát là trái luật. Chưa kể, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng, tài sản của du khách vì không kiểm soát được đơn vị tổ chức", đại diện Sở VHTTDL Gia Lai nói.
Ông Nguyễn Hữu Ân, Phó Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch TP HCM, cho biết nhóm V.N.D và website chuyên tour trekking đều không có giấy phép hoạt động du lịch.
"Đây là loại hình du lịch đặc thù. So với các tour tham quan đơn thuần, loại hình này có mức độ nguy hiểm hơn. Vì thế, để đảm bảo an toàn, du khách cần tìm hiểu kỹ thông tin để lựa chọn những đơn vị đáp ứng đủ điều kiện", ông Ân nói.
Theo ông Hoàng Phương, Giám đốc Công ty du lịch Niềm Vui Việt, đơn vị duy nhất đang khai thác tour trekking tại Gia Lai, hiện nay có khoảng 10 nhóm, thành viên tổ chức tour mạo hiểm, khám phá thác K50. Trong đó, có cả những nhóm đến từ TP HCM, Bình Định và một số địa phương khác.
"Nguyễn Trung là người lập nên trang VNTrek, chuyên tổ chức tour trekking ở Đà Lạt. Sau đó, Trung về Gia Lai khám phá ra cung đường này và cũng là người thiết kế tour Chư Nâm. Nhưng nay Trung đã hợp tác với chúng tôi để xây dựng, khai thác tour một cách chuyên nghiệp hơn; đồng thời cũng nhằm đảm bảo quyền lợi của du khách nếu xảy ra rủi ro", ông Phương nói.
Ngoài am hiểu địa hình, đơn vị tổ chức tour trekking, dã ngoại phải có kiến thức và kỹ năng sinh tồn; xử lý các vấn đề về đảm bảo an toàn cho du khách. "Như tour thác K50, hành trình sẽ đi qua con suối. Mùa này nước lớn bất chợt do những cơn mưa nên đòi hỏi người dẫn đoàn phải am hiểu cả thời tiết và kỹ năng vượt suối", ông Phương nói.
Cũng theo ông Dũng, tour trekking là sản phẩm đặc thù nên người hướng dẫn cũng bắt buộc phải học qua những lớp kỹ năng về sơ cứu, cứu hộ và kinh nghiệm xử lý tình huống trong trường hợp khách không may gặp tai nạn. Các lớp kỹ năng này đều phải được học một cách bài bản chứ không chỉ đơn thuần dựa vào kinh nghiệm đi rừng.
"Đi trekking cũng cần có kỹ năng vượt thác. Trong trường hợp có những cung đường, hành trình buộc phải vượt suối thì hướng dẫn viên cũng phải biết cách vượt qua như thế nào. Ví dụ như bước đi chếch bao nhiêu độ so với dòng nước đang chảy để bảo đảm an toàn", ông Dũng nói thêm.