Phở cuốn Ngũ Xã
Nhắc đến phở, ai cũng biết đó là món ngon không chỉ của Hà Nội mà là món ăn gắn với tên Việt Nam. Từ “PHO” đã được ghi vào từ điển ẩm thực thế giới mà bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều tìm để thưởng thức, phở cũng đã có mặt hầu hết trên các quốc gia có người Việt sinh sống. Nhưng… món ngon hôm nay tôi muốn nói không phải là món phở nước bò mà là phở cuốn, phở chiên giòn. Men theo hồ Trúc Bạch, đến phố Ngũ Xã sẽ không khó để bạn nhìn thấy những cô cậu học trò tụm năm tụm bảy bên đĩa phở cuốn hay những du khách nước ngoài ngồi quây quần bên đĩa phở chiên phồng thơm nức mũi.
Họ ăn phở cuốn là để thưởng thức và khám phá một phong vị mới của thủ đô. Quanh phố phường Hà Nội cũng có nhiều quán bán phở cuốn, nhưng với những người sành ăn, họ vẫn muốn thưởng thức món ăn mộc mạc mà quyến rũ tại phố Ngũ Xã. Ngoài phở cuốn, thực khách cũng có thể chọn phở chiên phồng, phở chiên ròn trứng hay món phở trộn... cũng rất lạ miệng. Sau khi thưởng thức một đĩa phở cuốn và một đĩa phở chiên phồng, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến địa chỉ tiếp theo, một món ngon cũng nức tiếng Hà Thành.
Chả lá Lã Vọng
Hà Thành đã có hẳn một con phố mang tên Hàng Chả Cá. Bởi trên phố có một nhà hàng số 14 mang tên Chả Cá Lã Vọng có từ thế kỷ thứ 18 (Năm 1871) của gia đình họ Đoàn. Nhà hàng bán chả cá lại có bày một ông Lã Vọng - Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá nên lâu dần khách ăn quen hay gọi là Chả Cá Lã Vọng và con phố cũng mang tên Hàng Chả Cá từ đó. Món chả cá đúng cách phải làm từ cá Lăng, mà nếu lại là thứ cá Lăng từ ngã ba sông Việt Trì thì càng tuyệt bởi cá Lăng Việt Trì ngày xưa được gọi là cá tiến Vua.
Cá lăng da trơn lọc phi lê thái miếng bằng hai ngón tay ướp với giềng, mẻ, mắm tôm, nước mắm ngon cho ngấm,… rồi nướng vàng trên bếp than hoa. Khi ăn để một bếp lò than hoa lên mặt bàn, chả cá được rán lại cho nóng. Đĩa rau thì là, hành lá cắt khúc cho dần vào chảo chín tái, xếp một chút bún lá vào đáy bát, gắp miếng chả cá rán nóng xếp lên trên, một chút rau thì là, hành lá chín tái từ chảo mỡ nóng, rắc thêm vài hạt lạc rang đập dập. Rưới chút mắm tôm đã được đánh sủi bọt bằng nước cốt chanh.. và miếng đó vào miệng… ngon khó tả.
Chính vì vậy mà khách du lịch ngoại quốc mách nhau đến thưởng thức rất đông, kể cả khách không ăn được mắm tôm cũng muốn đến ăn thử một lần cho biết bởi món ăn đã quá nổi tiếng. Ngày nay thì món chả cá đã có mặt ở nhiều nơi nhưng Hà Nội vẫn là đất truyền thống của món này…
Bánh tôm Hồ Tây
Quán bánh tôm Hồ Tây nằm ở vị trí rất đẹp bên Hồ Tây, một nhân viên nhà hàng ở đây cho biết, quán bánh tôm Hồ Tây đã có từ năm 1956, trước đây thuộc Công ty ăn uống Ba Đình – Sở Ăn uống Hà Nội. Bánh tôm Hồ Tây những năm trước đây được làm từ bột mỳ ủ nở tới độ, khách ăn tới đâu rán tới đó.
Những muôi bột pha không quá lỏng múc lên lẫn với khoai lang thái chỉ, xếp lên trên 3 con tôm tươi đánh bắt từ Hồ Tây thả vào chảo nóng rán nổi tới chín vàng hai mặt xếp ra đĩa. Chén nước chấm pha vừa ăn như nước chấm nem thả ít đu đủ xanh thái mỏng ngâm dấm. Chiếc bánh tôm tròn xinh vừa miệng chén ăn cơm cắt ra làm 3 mỗi miếng nằm gọn một con tôm, xếp vào bát với rau xà lách, thơm mùi, rưới thìa nước chấm…. miếng bánh tôm giòn tan trong miệng mang hương vị mênh mang Tây Hồ.
Ngày nay bánh tôm Hồ Tây đã giản đơn đi nhiều, không còn khoai lang thái chỉ, tôm cũng nguồn gốc tứ xứ. Ấy vậy khách đến vẫn đông, nhất là những ngày lễ. Người ta đến đây vì điểm đẹp, rộng rãi có chỗ để tụ họp và món bánh tôm cũng rẻ. Người đi xa Hà Nội trở về, người tỉnh xa về Hà nội chơi… ai cũng muốn một lần trở lại quán bánh tôm Hồ Tây để được ăn lại món bánh thuở nào làm nên thương hiệu của một món ngon Hà Nội.
Còn nữa… còn nhiều lắm những món ngon Hà Nội không thể kể hết, đành để vị giác cảm nhận từ từ qua mỗi con đường thân quen nơi góc phố. Nhớ lắm một tiếng rao đêm, thèm lắm khi mùi thơm thoảng qua khi xe dừng chờ ngã tư đèn đỏ.