"Thời điểm này đang mùa cao điểm du lịch vậy mà thành ra 'đói ăn'. Lượng khách mua tour vắng vẻ. Không có việc làm, nên lúc rảnh tôi làm thêm bằng cách nhận khách để chạy taxi", Nguyễn Văn T. Giám đốc công ty du lịch T.B, nói.
Theo chia sẻ của T., tình hình du lịch những tháng đầu năm nay "bết bát". Như những năm trước, cung đường Đông – Tây Bắc luôn tấp nập khách mua tour từ sau Tết Nguyên đán, bởi đang trong mùa hoa rất đẹp. Năm nay, tâm lý lo ngại dịch bệnh khiến du khách chẳng muốn đi đâu.
"Từ tháng 2 đến giờ, công ty chỉ tổ chức được 2 tour, mỗi tour chỉ khoảng vài người từ Sài Gòn đi Điện Biên. Du lịch "ế ẩm" nên tôi phải kiếm thêm việc để làm chứ không thể ngồi một chỗ trông chờ", T. nói.
Sẵn có ô tô, T. tham gia vào nhóm diễn đàn taxi. Nhóm này hoạt động công khai, mọi người đều có thể tương tác và thỏa thuận giá. "Mình thấy phù hợp thì liên hệ theo số điện thoại để báo giá và nhận chạy. Tùy theo tuyến đường xa hay gần để có mức giá khác nhau. Mỗi ngày cũng kiếm được tầm 500.000 - 700.000 đồng, đã trừ chi phí. Nếu chịu khó, vẫn có thể kiếm được nhiều hơn", T. chia sẻ.
T.B là một doanh nghiệp nhỏ với khoảng hơn mười nhân viên nên T. quyết định cho nghỉ, mỗi tháng trả 50% lương cho nhân viên so với thời điểm trước dịch.
Bãi biển Phan Thiết vắng vẻ du khách dù đang trong mùa cao điểm khách quốc tế. Ảnh: Tâm Linh.
Trong khi đó, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Trung tâm điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam, cho biết tổng số hướng dẫn viên của Trung tâm hiện nay 2.031 người. Trong đó, 108 hướng dẫn viên cơ hữu tối thiểu vẫn làm 12 ngày công/ tháng để đảm bảo quyền lợi về các chế độ; 143 hướng dẫn viên ngắn hạn cố gắng duy trì 8 ngày công một tháng để vào chính thức; số hướng dẫn viên còn lại là đội ngũ cộng tác nên không cam kết ngày công.
"Thời điểm này, có khoảng 40 bạn hướng dẫn viên đi làm thêm bằng công việc dẫn chương trình. Cũng có một số bạn hướng dẫn tuyến điểm xin nghỉ phép, cùng nhau tập hợp đi khảo sát lại dịch vụ, training tuyến điểm dưới sự hướng dẫn của những trưởng đoàn", bà Hương nói.
Cũng theo bà Hương, tận dụng thời điểm vắng khách, các hướng dẫn thị trường nước ngoài chủ động đào tạo nhân sự với những chủ đề cụ thể, theo tuần. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng sẽ chọn lọc những hướng dẫn viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn để giới thiệu thi tuyển vào vị trí tiếp viên hàng không của Vietravel Airlines hoặc theo học các lớp chứng chỉ sư phạm để làm huấn luyện viên cho đội ngũ hướng dẫn nội bộ...
Anh Dương Đức Chính, hướng dẫn viên Tổ thị trường châu Âu của Vietravel, trở thành người huấn luyện nhân sự trong mùa dịch Covid-19. Ảnh: VTG. |
Trong cả buổi sáng, văn phòng công ty ông T.V.L ở TP HCM không có một khách hàng nào ghé vào hỏi tour du lịch. Thỉnh thoảng, điện thoại bàn reo lên, nhân viên nhấc máy ngay để lời khách về chính sách hoàn, hủy nếu mua tour như thế nào. Ông T.V.L, giám đốc một công ty, cho biết ông dành nhiều thời gian hơn cho gia đình trong thời điểm này. "Do con nghỉ học, mỗi chiều tôi đều dẫn con ra công viên thả diều hoặc vui chơi. Thời gian ở công ty chỉ còn một buổi", ông L. nói. |
Trong khi đó, theo chia sẻ của ông N.Đ.H, Tổng giám đốc một công ty du lịch tại TP HCM, ông bây giờ cũng phải đi bán tour như những nhân viên khác trong công ty. Các tour chủ yếu đi trong nước với điểm đến hạn chế, phần lớn đi về miền Tây hoặc khu vực Tây Nguyên.
Theo ông H., công ty không cắt giảm nhân sự nhưng vẫn tôn trọng sự quyết định của nhân viên. Từ tháng 2 đến tháng 5, toàn bộ mức hỗ trợ trách nhiệm, công tác phí... sẽ bị cắt giảm. Chỉ đảm bảo mức lương cơ bản và tăng hoa hồng đối với bộ phận kinh doanh.
Công ty của ông H. chuyên tour khách lẻ ghép đoàn đi thị trường Đông Bắc Á và các quốc gia khác. Hiện nay, "tour Đông Bắc Á xem như đóng băng hoàn toàn. Khoảng 30% nhân sự xin nghỉ việc và nghỉ không lương đến tháng 5", ông H. nói.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, tính đến ngày 2/3 đã có gần 20.000 lượt khách quốc tế hủy tour đến Thủ đô vì ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 19.000 lượt khách nội địa hủy tour đến Hà Nội. Trong khi đó, số ngày phòng bị hủy tại các cơ sở lưu trú lên tới gần 56.000; số lượng khách đặt phòng đã thông báo hủy gần 78.000 lượt. Tình hình kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch cũng sụt giảm công suất xe lưu hành từ 40 – 60%.
Tại TP HCM, trong 2 tháng đầu năm, du khách đến thành phố giảm 62% so với cùng kỳ, doanh thu giảm 65%. Do ảnh hưởng của Covid-19, số khách nội địa và quốc tế hủy tour đến TP HCM 88.000 khách, thiệt hại về doanh thu khoảng gần 1.000 tỉ đồng.
Tính chung cả nước, theo Tổng cục thống kê, trong tháng 2, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm gần 38% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.