Dưới đây là chia sẻ của Arijana Tkalcec, 24 tuổi, trong những ngày mắc kẹt tại Việt Nam vì đại dịch.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi và bạn trai quyết định du lịch vòng quanh Đông Nam Á trong 7 tháng. Chúng tôi khởi hành từ tháng một, khi các ca nhiễm nCoV đã xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng không nghĩ rất nhanh sau đó, căn bệnh này đã trở thành đại dịch toàn cầu. Chúng tôi đến Bali, Indonesia và ở lại một tháng. Sau đó đến Việt Nam và có kế hoạch ở đây trong 3 tháng. Nhưng rồi đại dịch bùng phát, mọi thứ không còn tuân theo kế hoạch ban đầu.
Khi đến Mũi Né, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Các ca lây nhiễm bắt đầu gia tăng ở châu Âu, và một ca nhiễm nCoV đã xuất hiện ở Phan Thiết vào ngày 10/3. Sau đó, các ca nhiễm mới dần được công bố. Thành phố sôi động, đông đúc khách du lịch dần trở nên vắng vẻ. Các nhà hàng đóng cửa, khách sạn ngừng nhận du khách.
Vì tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn chưa đến mức tồi tệ, chúng tôi tiếp tục đến Đà Lạt. Nhưng rồi một số vấn đề bắt đầu xuất hiện. Chúng tôi bị từ chối vào một nhà hàng địa phương vì là khách nước ngoài. Mọi người đi trên đường đều lập tức đeo khẩu trang khi chúng tôi đi qua. Họ sợ chúng tôi. Nhiều ca nhiễm mới ở Việt Nam là người từ nước ngoài trở về. Vì vậy, tôi phần nào hiểu được hành động của họ nhưng cũng cảm thấy không thoải mái. Cuối cùng, chúng tôi phải đối mặt với câu hỏi: ở lại hay về nhà?
Mọi thứ diễn ra mỗi lúc một nhanh hơn, các nước trên thế giới bắt đầu đóng biên, tình hình ở châu Âu trở nên tồi tệ, các chuyến bay đến ngày càng ít đi. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình và bạn bè, những người đang trong tình huống tương tự, chúng tôi quyết định ở lại.
Việc mua vé mới là quá mạo hiểm. Thứ ba, nếu về nhà, chúng tôi sẽ cách ly bắt buộc 14 ngày và chúng tôi cũng không muốn mạo hiểm để đặt người thân vào tình trạng nguy hiểm. Cuối cùng, bạn trai tôi đến từ Slovenia, nơi này đã đóng biên và chắc chắn anh ấy sẽ gặp nhiều vấn đề rắc rối hơn.
Sau khi đã quyết định ở lại, chúng tôi hành động nhanh chóng. Nếu Việt Nam phong tỏa giống các quốc gia khác thì chúng tôi cũng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, việc đầu tiên của tôi là lựa chọn nơi mà mình tạm thời bị mắc kẹt. Đà Nẵng là cái tên đầu tiên chúng tôi nghĩ tới. Đó là thành phố lớn, và chúng tôi có thể có đầy đủ mọi thứ mình cần cho cuộc sống bình thường.
Chúng tôi ngồi xe ô tô trong 6 tiếng để đi từ Đà Lạt tới Nha Trang. Mọi thứ ở Nha Trang khá khác Đà Lạt, nơi đây vẫn có nhiều du khách, chủ yếu người Nga. Nhiều người không đeo khẩu trang và bãi biển vẫn đông người tắm. Mọi thứ ở đây vẫn rất thoải mái. Rời Nha Trang, chúng tôi ngồi tàu thêm 10 tiếng để đến Đà Nẵng. Người dân vẫn sợ chúng tôi. Khi vào trong cabin, một người đàn ông Việt Nam tỏ ra lo lắng khi biết ở cùng khoang với chúng tôi và phải mất một lúc mới chấp nhận được việc này. Chúng tôi thể hiện sự tôn trọng anh ấy bằng việc đeo khẩu trang suốt 10 tiếng ngồi tàu.
Tôi phải nói rằng họ rất tử tế và cảm thông với chúng tôi. Chúng tôi được đo nhiệt độ và hướng dẫn khử trùng tay hai lần. Vì là khách quốc tế, chúng tôi phải điền thêm một số thông tin như nơi chúng tôi đến, nơi chúng tôi đã ở, đến Việt Nam khi nào... Chúng tôi cũng phải tải ứng dụng Khai báo y tế và điền thông tin của mình. Mỗi ngày, ứng dụng đều hỏi chúng tôi có cảm thấy khỏe không, hay có bất kỳ triệu trứng nào không. Với cách làm này, cơ quan y tế có thể theo dõi sức khỏe của chúng tôi, và có thể hỗ trợ chúng tôi nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Mỗi người được xác định bằng một số nhất định và được quét qua mã QR.
So sánh các con số lây nhiễm và tử vong vì nCoV của Việt Nam với thế giới, chúng tôi thấy rằng đây là một trong những nước đã xử lý tình huống dịch bệnh tốt nhất. Đó cũng là lý do tôi cảm thấy an toàn khi ở đây. Chính phủ luôn tích cực trong việc tuyên truyền phòng chống nCoV với người dân. Có một thực tế thú vị là ở đây chưa có ca tử vong nào. Tôi tin rằng một phần Việt Nam đạt được kết quả này là do những người lớn tuổi ở đây rất khỏe mạnh. Họ tập thể dục mỗi ngày và năng động. Hầu hết mọi người đều thức dậy lúc 4-5h rồi ra bãi biển tập thể dục, yoga, chơi cầu lông...