Trước khi lên máy bay chịu cảnh bó chân mười mấy giờ để đến được Wellington, thủ đô còn có tên thân mật là Welly của New Zealand, tôi hì hụi lướt web để "dằn bụng" một danh sách món ăn bản địa bởi đã bỏ tiền, bỏ công ra nước ngoài phải ráng ăn đặc sản địa phương, được chừng nào hay chừng đó! Nhưng được vài ngày, bột, bơ, đồ béo thì cái bụng thuần Việt ái mộ rau xanh, mê canh của tôi bắt đầu ọ ẹ.
Vị Việt chốn xa xôi
Khách sạn nơi tôi ở nằm trên con đường nhỏ cách không xa trung tâm Wellington, chủ yếu tập trung dân văn phòng. Tầm 8 giờ sáng, họ rảo bước đông đúc ngoài đường, thỉnh thoảng tấp vào quán cà phê, bánh ngọt nhâm nhi. Khi ấy là đầu đông nhưng trời vẫn nắng chói và dĩ nhiên không thể thiếu những trận gió lồng lộng - đúng với biệt danh "thủ đô gió lùa" của Welly! Sau buổi sáng, đường lại thưa thớt rất nhanh và chỉ nhộn nhịp trở lại vào chừng 11 giờ trưa, khi người ta túa ra từ các tòa cao ốc, len vào các hẻm nhỏ rồi mất hút sau những cánh cửa kính nhà hàng, quán xá.
Quầy bánh mì Nam Đ
Một buổi trưa như thế ở Welly, tôi tình cờ bước chân vào con hẻm nhỏ mang tên Chews rồi bắt gặp một bảng thực đơn nửa Anh nửa Việt bên ngoài một cửa tiệm nhỏ có tên "Thánh Gióng Phở". 15 NZD một tô phở gà (hơn 230.000 đồng), giá "chát" nhưng được cái ăn vào nhận ra ngay phở Việt, nước dùng dậy mùi lại có giá trụng ăn kèm. Chị chủ quê ở Hưng Yên, qua Wellington đã 9 năm. "Bàn ghế, tô chén… chị đều mang từ Việt Nam sang. Bánh phở là nghề gia truyền, chồng chị tự làm đấy" - chị vui vẻ kể.
Một góc cuối thu của con đường trên đồi nhìn xuống Wellington
Tạm biệt quán phở, tôi lang thang trong một con hẻm nhỏ rẽ vào từ Lambton Quay - trục đường mua sắm chính thì thấy một quầy bánh mì nho nhỏ với cái tên Nam Đ. Giá dĩ nhiên cũng không mềm, 9 NZD/ổ (hơn 140.000 đồng) nhưng một lần nữa ăn ra vị… bánh mì Việt Nam, nóng giòn, đầy đủ thịt, chả, đồ chua, dưa leo, hành ngò.
Kỷ lục ám ảnh
Tuy thuộc một đất nước nằm xa về phía Nam bán cầu nhưng Welly lại rất đa dạng trong ẩm thực. Dạo bước ở đây, hết đường to vào hẻm nhỏ đều dễ dàng thấy những bảng hiệu nhà hàng đủ "quốc tịch", từ Thái, Tàu, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ đến Việt Nam… Đa dạng về ẩm thực, thân thiện với người phương xa nhưng đến Wellington vào đầu đông, cảm nhận chung là vắng, buồn và đặc biệt là gió! Khi đặt chân lên khoảng sân rộng của Beehive (tên thường gọi của tòa nhà chính phủ New Zealand vì có hình dáng giống tổ ong), những cơn gió thốc liên tiếp vào người làm tôi như chết cứng vì lạnh.
Còn cái sự vắng, dù là rảo bước bên bờ biển hay thở phì phò trên đường lên núi Victoria, thi thoảng tôi mới thấy một người đi dạo hay chăm chỉ chạy bộ. Tối chưa tới 8 giờ, đường phố đã thưa người, chẳng trách cả chị chủ quán Thánh Gióng Phở lẫn cô bán bánh mì đều bảo: "Ở đây buồn lắm!".
Cảm giác cô đơn trong tiết trời ảm đạm, lúc mưa lúc tạnh càng ám ảnh hơn nếu biết rằng tỉ lệ tự tử ở New Zealand thuộc hàng cao nhất các nước phương Tây. Theo trang Stuff của New Zealand, số người tự kết liễu mạng sống tại nước này lập kỷ lục vào năm ngoái, với 668 trường hợp.
Tại sao một đất nước thịnh vượng, thiên nhiên trong lành, luôn nằm trong tốp đáng sống nhất thế giới mà người dân lại tự tử ở mức báo động như thế? Lang thang trên những con phố dài hun hút gió ở Welly tôi tự hỏi như vậy và len vào lòng là nỗi buồn hiếm có trong một chuyến rong chơi.