Chiều 29-5, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ chủ yếu phục hồi và kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19. Theo thống kê của các tỉnh, thành ở ĐBSCL về kết quả hoạt động du lịch 4 tháng đầu năm, tổng số khách đến ĐBSCL giảm 41,6% so cùng kỳ năm 2019; khách lưu trú giảm 50%, tổng doanh thu giảm 42%.
Ưu tiên du lịch nội địa
Theo TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hưởng ứng "Chương trình kích cầu du lịch" của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tổ chức chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19 để khôi phục hoạt động du lịch.
Theo đó, ưu tiên của khu vực này là du lịch nội địa, thu hút khách từ các vùng miền đến ĐBSCL tiến tới khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Trong đó, thị trường Đông Nam Á được xem là có nhiều tiềm năng phục hồi sớm.
Chương trình triển khai trên phạm vi ĐBSCL, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 12 và có thể được kéo dài. Có 57 doanh nghiệp (DN) lưu trú, 36 DN về dịch vụ ăn uống, 25 DN về tham quan, 22 công ty bán tour du lịch... tham gia trong đợt kích cầu này. Dịch vụ tại những nơi này đều giảm giá từ 10%-50%.
Khách sạn Victoria Núi Sam (tỉnh An Giang) giảm 40% tiền thuê phòng; một số điểm tham quan tại Bạc Liêu như: Quan Âm Phật Đài, nhà hát Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương miễn 100% vé vào cổng; Khu Du lịch sinh thái Thư Duy (tỉnh Cà Mau) ngoài miễn phí vào cổng còn giảm 30% tiền lưu trú; khách sạn Mường Thanh Cần Thơ giảm 10% tiền lưu trú, giảm 25% vé buffet sáng; nhà hàng - sekhách sạn Ninh Kiều Riverside giảm 50% tiền lưu trú...
Ông Đặng Minh Việt, Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Cần Thơ, thông tin trong ngày 28-5, có 15 chuyến bay từ TP HCM đi Phú Quốc và điều đáng mừng là 95% số ghế được lấp đầy trên mỗi chuyến bay. "Sau thời gian giãn cách xã hội, khách có nhu cầu đi du lịch. Họ muốn đến nơi có nắng ấm, thoáng mát, gió biển, ăn uống hải sản. Trong ngày 28-5, có hơn 4.000 khách đến Phú Quốc bằng máy bay, chưa tính khách đi bằng đường thủy" - ông Việt nói.
Du khách tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
Cần nhiều sản phẩm mới
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và Tây Nam Bộ, cho biết: "Trong việc xây dựng sản phẩm, chúng tôi cũng hướng đến liên kết các địa phương trong vùng ĐBSCL để làm sao đưa đến cho du khách tour liên tuyến dài ngày hơn mà kết nối được nhiều tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL. Hiện Vietravel đang khởi động trở lại tour liên tuyến Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau và rất được du khách quan tâm".
Theo ông Trần Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch An Giang, trong thời gian giãn cách xã hội, điểm tham quan rừng tràm Trà Sư đã tận dụng thời gian này hoàn thiện cảnh quan, cơ sở vật chất. Đầu năm 2020, rừng tràm Trà Sư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là khu rừng đẹp nhất Việt Nam và nơi đây cũng có cây cầu tre dài nhất Việt Nam.
"Rừng tràm Trà Sư đang chuẩn bị cho nối cây cầu tre dài thêm 4 km nữa. Bên cạnh đó cũng thu hút chim, cò về đây trú ngụ, làm tổ, tạo cảnh quan bên cạnh cây tràm, bèo... là điểm mới để thu hút khách" - ông Trí nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trịnh Công Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bạc Liêu, cho biết để tham gia chương trình, 12 đơn vị tham quan tại Bạc Liêu đã không thu tiền vào cổng hoặc giảm giá từ 10%-20%, sẵn sàng đón khách du lịch trở lại sau dịch. Theo ông Vinh, bên cạnh chương trình kích cầu lần này, các địa phương cần nâng cấp, bổ sung và làm thêm sản phẩm, các tuyến du lịch mới.
"Bạc Liêu đang xúc tiến làm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm tại huyện Phước Long và Hồng Dân. Nếu như du khách đến Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ trải nghiệm du lịch miệt vườn sông nước thì khi đến Bạc Liêu sẽ được trải nghiệm loại hình du lịch đồng quê với lợi thế đặc trưng của khu vực này. Đề nghị các công ty lữ hành quan tâm nghiên cứu thiết kế sản phẩm mới này để chào mời du khách" - ông Vinh kiến nghị.
Cần liên kết với TP HCM
Theo TS Trần Hữu Hiệp, một trong những trọng tâm của chương trình kích cầu du lịch ĐBSCL sau dịch Covid-19 là vận động và khuyến khích các DN du lịch hưởng ứng và tích cực tham gia tăng cường liên kết địa phương, DN và các tổ chức hoạt động du lịch. Trong đó, xác định các ưu tiên hợp tác, liên kết với TP HCM; chọn các địa phương, trung tâm du lịch cụm phía Đông, phía Tây (TP Cần Thơ, Kiên Giang - Phú Quốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Tiền Giang) làm trọng điểm, phát huy vai trò các điểm du lịch tiêu biểu và hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Bên cạnh đó, kêu gọi sự tham gia của các tập đoàn, DN , đơn vị du lịch có tiềm lực, thế mạnh, tạo dựng được thương hiệu để du lịch xây dựng "trục xương sống" triển khai chương trình.
Du khách sẵn sàng đi tour ngay
Hơn 53% số người được khảo sát cho biết sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này. Đây là một trong những điểm rất đáng lưu ý trong kết quả khảo sát du khách nội địa hậu Covid-19 do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố. Khảo sát thực hiện từ ngày 13 đến 19-5, sau khi kết thúc giãn cách xã hội ở Việt Nam với 1.826 người tham gia trả lời.
Theo TAB, đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc du khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh (36%), ngoài ra dịch vụ du lịch có ưu đãi cũng là lựa chọn tiếp theo (gần 20%). Sau giãn cách xã hội, du khách có nhu cầu cao nhất về du lịch biển với 67%, tiếp theo là du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng trên núi, khu du lịch sinh thái. Tâm lý e ngại dịch bệnh, thói quen giãn cách xã hội vẫn còn khiến gần 89% người lựa chọn đi du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè...
Đại diện TAB nhận định qua khảo sát này có thể thấy hành vi du khách nội địa ở Việt Nam hậu Covid-19 đã có nhiều thay đổi so với trước. Điều này đòi hỏi ngành du lịch cần cơ cấu lại DN, sản phẩm, quảng bá xúc tiến điểm đến... để đáp ứng nhu cầu và xu hướng mới của thị trường du lịch nội địa.
Trong những giải pháp kiến nghị để phục hồi du lịch, TAB đề xuất các địa phương cần chủ động xây dựng chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần; điều tiết giá kích cầu thông qua miễn, giảm các loại phí, lệ phí như phí tham quan sẽ miễn trong 1-2 tháng đầu, sau đó giảm 50% đến hết năm 2020. Các địa phương - điểm đến - DN cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá hợp lý để thu hút du khách...
Chiều 29-5, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và quản lý điểm đến Outbox (Outbox Consulting) cũng công bố báo cáo dự định du lịch của khách Việt Nam hậu Covid-19 sau khi khảo sát nhanh 937 người Việt Nam để tìm hiểu về dự định, hành vi của du khách trong 6 tháng cuối năm nay. Theo đó, du khách cẩn trọng hơn trong xây dựng kế hoạch, chi tiêu cho chuyến đi. Thị trường du lịch nội địa sẽ có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới khi đa phần người Việt Nam đều lựa chọn du lịch trong nước.
L.Giang