Từ khi con đường trên biển nối 3 hòn đảo trong cụm đảo Điệp Sơn nổi như cồn trên mạng, du khách tấp nập đổ về đây. Nhưng không phải ai cũng chớp được “thời cơ vàng”, để rồi ra về mà vẫn tiếc nuối như chúng tôi.
Nhóm chúng tôi đến Điệp Sơn vào đầu tháng 8. Trời có gió, biển êm nên ca-nô đè sóng phóng ào ào như cưỡi ngựa. Bù lại, nắng kinh hoàng, chói chang tới mức nhiều lúc nhìn vào màn hình máy ảnh mà không thấy gì để canh chỉnh, đành bấm máy “lụi”.
Từ lúc ngồi ca-nô tới khi đặt chân thăm thú trên đảo, câu mà chúng tôi hỏi người dân địa phương nhiều nhất là: “Chừng nào con đường hiện ra?”. Có lẽ quá quen với hiện tượng tự nhiên này nên họ ít khi để ý chính xác. Câu trả lời phổ biến là: “1-2 giờ trưa gì đó”. Nhìn đồng hồ thấy mới khoảng 11 giờ, chúng tôi yên tâm la cà đây đó, dằn bụng bữa cơm trưa với hải sản tươi ngon, ngả lưng chút đỉnh rồi hăm hở vác máy hình, điện thoại về hướng con đường sẽ hiện lên.
...khiến người ta không thể không ngưỡng mộ sự kỳ diệu của thiên nhiên
Quả thật, một con đường đất rộng (càng lúc càng rộng theo độ rút của nước biển) đã lộ diện, dường như thu ngắn lại khoảng cách của 2 hòn đảo vốn xa xôi giữa mênh mông đất trời. Trên đầu nắng trải, lưng chừng gió lộng, dưới chân nước biển vẫn xanh đậm đà một màu ngút mắt. Chỉ tiếc là chúng tôi không kịp tận hưởng cảm giác sải bước khi làn nước biển vẫn còn lượn lờ trên con đường. Do ra hơi trễ nên chúng tôi chỉ thấy được bề mặt con đường đã khô cong dưới cái nắng đổ lửa.
Men theo phần rìa con đường vẫn còn thấm ướt, nhiều người dân đào đào cuốc cuốc. Tò mò lại hỏi, chúng tôi được biết người thì tìm ốc, người đào hải sâm. “Hải sâm có 2 loại, màu đen bán 75.000 đồng/kg, màu trắng bán 120.000” – một chị “trùm” kín mít giải thích.
Thấy chúng tôi ra vẻ thất vọng vì không thấy được khoảnh khắc “biến hình” của con đường, chị bảo tầm 12 giờ trưa đường bắt đầu hiện ra, nước cứ rút dần cho đến 5-6 giờ chiều mới dâng lên lại. Không thể chờ tới chiều như chị nói vì gió lớn, nước cạn nên chủ tàu giục về sớm, chúng tôi đành quay về.
Tiếc là tiếc vậy thôi chứ Điệp Sơn còn nhiều thứ để thưởng thức ngoài con đường nổi danh. Dù đã có một số hàng quán, thậm chí có quán nhanh nhạy dựng một hàng dù trắng nhìn xa xa không thua gì khu nghỉ mát nổi tiếng, nhưng Điệp Sơn vẫn là cô thôn nữ chưa lấm bụi thị thành.
Phần lớn hòn đảo bé nhỏ - chỉ có khoảng 90 hộ dân làm nghề chài lưới – bình dị, yên ả trong cái nắng trưa. Điện ở đây chỉ có từ khoảng 18-21 giờ, nếu muốn người dân có thể chạy máy phát riêng. Ra biển có thì có giờ, phần còn lại trong ngày rảnh rỗi, người dân cứ từ từ đun ấm nước pha trà rồi ngồi ngay lối đi khề khà từng chén, ra bãi biển kháo chuyện dưới những tán cây xanh rì, sơn lại con thuyền đánh cá hay chuyển gạch đá lên đảo xây mới ngôi nhà nhỏ…
Ai đó có thể nói “sao mà nhàm chán” nhưng cũng có những người quá mệt mỏi với nhịp sống gấp gáp lại tận hưởng một cách đầy biết ơn giờ phút đu đưa trên chiếc võng nhỏ, lim dim mắt nghe gió biển mặn chát lùa vào tóc, thấm vào thịt da!
Thêm nữa, như hầu hết hòn đảo khác, hải sản ở đây ăn rất “đã”, vừa tươi vừa ngon vừa phải chăng. Thích nhất là người dân chiều khách, sẵn lòng cho quá giang bơi thúng ra xa xa câu cá hay mực. Nếu muốn ở lại qua đêm, bạn có thể đem theo lều bạt hoặc ngủ trọ ở nhà dân.
Trẻ em trên đảo rất dạn dĩ với khách phương xa
Đường đi dễ dàng
Điệp Sơn là một dãy gồm 3 hòn đảo nhỏ, nằm trong vùng biển thuộc vịnh Vân Phong. Về mặt hành chính, Điệp Sơn thuộc xã Vạn Thành, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Từ Nha Trang, để tiết kiệm bạn có thể bắt xe buýt Quyết Thắng tuyến số 1 đi thẳng đến thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh. Chỉ tốn 24.000 đồng tiền vé, khoảng 1 giờ rưỡi ngồi xe và thêm chừng 10 phút cuốc bộ, bạn tới bến tàu.
Giá tàu gỗ là 100.000 đồng/người/2 lượt đi về, mất chừng 1 giờ là ra tới đảo. Đi ca-nô giá gấp đôi nhưng thời gian cũng giảm một nửa. Bạn nhớ hỏi điện thoại người lái tàu để hẹn giờ về cho kịp con nước.