Đó là nhận diện ban đầu về dáng vẻ bên ngoài của cá "trê suối Phú Quốc" (CTSPQ) - loài cá nước ngọt đặc hữu của hòn đảo lớn nhất trong vùng biển Tây Tổ quốc.
Sẽ càng thú vị hơn khi biết được loài cá độc đáo này chỉ xây "căn cứ địa" ở các đoạn nước chảy mạnh tại các dòng suối bắt nguồn từ 99 ngọn núi huyền thoại trên Đảo Ngọc nên dân địa phương còn gọi đây là cá chình suối Phú Quốc. Còn các chuyên gia thủy sản Việt Nam lại xem đây là phát hiện mới và tin rằng loài cá nước ngọt giữa biển khơi này sẽ tạo ra sự chú ý không thua kém chó xoáy lưng trên Đảo Ngọc (Phú Quốc - Kiên Giang).
Nơi đây cũng là lãnh địa của loài cá độc đáo: Cá trê suối Phú Quốc.
Th.s Đặng Khánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, người phát hiện và đặt nền móng nghiên cứu CTSPQ - đã thu hút sự chú ý của chúng tôi ngay câu đầu tiên giới thiệu về loài cá này: "Đây là loài cá độc đáo cả về hình thái bên ngoài lẫn đặc tính bên trong".
Theo Th.s Hồng, về hình thái bên ngoài, CTSPQ có nét giống với cá trê đuôi vẹo niêu (Clarias Nieuhofii) phân bố ở Tây Campuchia, bán đảo Mã Lai, đông nam Thái Lan, Ấn Độ, Lào và Indonesia, tức có chiều dài thân gấp 8 - 9,5 lần chiều cao thân.
Tuy nhiên, giữa chúng lại có sự khác biệt rất tinh tế như chó Phú Quốc có xoáy lưng với chó thường. Trong lúc các vi lưng, vi đuôi và vi hậu môn của C. Nieuhofii gần như dính liền nhau, thì các bộ phận này ở CCSPQ lại có sự tách biệt.
Đặc biệt, hoa văn trên da của CTSPQ cũng đa dạng về chi tiết và màu sắc cũng đậm đà hơn. Nếu ở C. Nieuhofii hoa văn chỉ là những đóm tròn vàng - trắng điểm xuyến trên nền nâu sậm, thì ở CTSPQ có đến 3 màu hoa văn vàng đỏ - trắng - đen và màu sắc của từng loại hoa văn này tương ứng chất lượng, hương vị và sức hấp dẫn khác nhau.
Cá vàng đỏ, trọng lượng (1 năm tuổi) đạt trên 2,5 kg/con, thịt có mùi thơm đặc trưng. Tương tự, cá màu trắng có trọng lượng lớn hơn, thịt mềm, béo. Riêng cá màu đen, thịt săn chắc nên trọng lượng chỉ đạt khoảng 01kg/con...
Theo các vị cao niên ở Phú Quốc, loài cá này rất tin khôn và hung hãn. Chúng sống ở những các đoạn nước suối chảy xiết nên rất khó săn bắt và khi phát hiện đối tượng xâm phạm "lãnh thổ" là chúng tấn công ngay, kể cả người.