Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương do ông David Dương, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty California Waste Solutions (Mỹ) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), sáng lập vào năm 2011. Từ nguồn vốn nghĩa tình này, rất nhiều người nghèo có điều kiện thay đổi cuộc sống.
Trao "cần câu" cho người nghèo
Ông David Dương nói rằng tâm nguyện của ông là muốn giúp người nghèo, nhất là ở các vùng nông thôn có điều kiện tiếp cận ngồn vốn để tự tạo việc làm, khởi nghiệp, có thể làm giàu trên chính mảnh ruộng, thửa đất của mình. "Tôi muốn trao cho họ cần câu hơn là con cá. Thật hạnh phúc khi nhiều hộ gia đình giờ đã thoát nghèo từ đồng vốn hỗ trợ ban đầu" - ông David Dương chia sẻ.
Với Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, người thụ hưởng chủ yếu thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Hiệu quả của quỹ được phát huy nhờ sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội, như hội nông dân, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên cấp huyện và cấp xã.
Gia đình chị Lê Thị Lặc (ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) có 4 công đất (4.000 m2), chuyên trồng lúa, nhưng quanh năm vẫn không đủ ăn. Sau khi được Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh tư vấn chuyển đổi cây trồng, chị Lặc vay 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương và dùng số tiền này mua giống, vật tư để trồng chanh. Nhờ được giá cao, thời gian đầu vườn chanh cho gia đình chị thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng. Thu nhập tăng dần, chị Lặc tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh. Chị còn dự định nuôi thêm bò thịt. Đến nay, sau 6 năm vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, gia đình chị Lặc đã thoát nghèo, xây được ngôi nhà mới khang trang hơn.
Hàng xóm của chị Lặc là chị Nguyễn Thị Nhan cũng thuộc hộ cận nghèo. Ngoài 7 công ruộng, vợ chồng chị đi làm thuê, cuộc sống khó khăn. Được Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương trợ vốn và nhờ sự tận tình hướng dẫn của Hội Phụ nữ xã Mỹ Thạnh, chị Nhan mạnh dạn chuyển 4 công đất trồng lúa sang trồng mai và 2 công đất trồng chanh. Cây chanh cho năng suất cao, được giá nên thu nhập của gia đình chị Nhan được cải thiện. "Lấy ngắn nuôi dài" từ nguồn thu của cây chanh, chị Nhan mua phân bón để đầu tư cho cây mai. Mỗi năm đến mùa Tết, vườn mai cho gia đình chị lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Đến nay, gia đình chị thực sự thoát nghèo, xây thêm nhà mới. Chị đã hoàn trả phần vốn vay cho quỹ để tiếp tục xoay vòng đến hội viên phụ nữ khác.
Chị Nguyễn Thị Nhan đã thoát nghèo nhờ trồng mai ảnh: Quang Viên
Khởi nghiệp thành công
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành quản trị kinh doanh, anh Phạm Thanh Dũng (ngụ ấp 3, xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa) làm việc cho một công ty thực phẩm ở tỉnh Long An. Sau đó, anh Dũng xin vào HTX Thủy sản xã Long Thạnh. Học theo mô hình nuôi trồng thủy sản của hợp tác xã này, năm 2014 anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc nuôi cá, nuôi ếch.
Năm 2017, anh Dũng được Đoàn thanh niên xã Long Thạnh giới thiệu vay 15 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương. Số tiền này anh dùng vào việc mua thêm cá trê giống về nuôi. Chỉ sau 6 tháng, lứa cá trê đầu cho lãi 150 triệu đồng. Từ đó, anh Dũng nuôi ếch thịt rồi tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá lăng, cá hô...
Sau đợt vay đầu, mới đây anh Dũng tiếp tục vay lần 2 để đầu tư mở rộng ao nuôi với diện tích lên đến 2.000 m2, với đàn cá trê gần 100.000 con và 40.000 con ếch, dự kiến cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng.
Anh Phạm Thanh Dũng vay vốn để đầu tư nuôi cá, ếch
Anh Dương Quốc Thắng, Bí thư Đoàn xã Long Thạnh, đánh giá Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương phát huy hiệu quả nhờ cho vay đúng đối tượng, mục đích. Đoàn Thanh niên xã Long Thạnh luôn đồng hành trong tư vấn, định hướng để giúp thanh niên khởi nghiệp. Từ năm 2012, xã Long Thạnh có 7 đoàn viên thanh niên được giới thiệu vay Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương vốn mức vay ban đầu 15 triệu đồng và đều khởi nghiệp thành công. Đoàn viên đi trước khởi nghiệp thành công, hoàn trả vốn để số vốn này tiếp tục trao tay đoàn viên khác. Cứ như thế, đến nay, 20 đoàn viên thanh niên của xã Long Thạnh được tiếp cận quỹ.
"Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương đã tạo điều kiện cho các bạn trẻ làm kinh tế, góp phần cùng địa phương thay đổi diện mạo nông thôn. Nhờ chịu khó, nhiều bạn trẻ trở thành gương sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng trên chính ruộng, vườn nhà mình" - anh Thắng chia sẻ.
Điểm tựa thoát nghèo cho hội viên phụ nữ
Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thủ Thừa, cho biết toàn huyện có hơn 300 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nhờ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, rất nhiều gia đình được thoát nghèo bền vững; một số hộ trở nên khá giả, tạo thêm việc làm cho người khác. "Nguồn quỹ này là điểm tựa thoát nghèo cho hội viên phụ nữ. Tôi mong trong thời gian tới, quỹ tiếp tục mở rộng để càng có thêm nhiều hội viên phụ nữ tiếp cận vốn vay tăng gia sản xuất, cải thiện kinh tế, thoát nghèo và vươn lên làm giàu" - bà Giang bày tỏ.
Chị Lê Thị Lặc chuyển đổi trồng lúa sang trồng chanh