Tình hình xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL, theo số liệu công bố của Bộ NN-PTNT, xâm nhập mặn năm 2019 - 2020 đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh thành vùng ĐBSCL, làm cho 42,5% diện tích tự nhiên của toàn vùng bị ảnh hưởng, tương đương 1.688.600 ha, cao hơn đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016 là 50.376 ha.
Vụ đông xuân 2019-2020, ở ĐBSCL có 6 tỉnh (Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Long An và Cà Mau) bị ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn với tổng diện tích khoảng 41.900 ha, trong đó có 26.000 ha thiệt hại mất trắng và Trà Vinh là tỉnh có diện tích thiệt hại nhiều nhất với 14.300 ha.
Hạn và xâm nhập mặn đã làm khoảng 6.650 ha cây ăn trái tại 6 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng thiếu nước tưới gây giảm năng suất và khoảng 355 ha bị thiệt hại mất trắng. Hạn, xâm nhập mặn đã làm 1.241 ha hoa màu tại các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau thiếu nước tưới, trong đó có 541 ha bị thiệt hại mất trắng.
Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho biết: Để ứng phó với sự biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, từ năm 2016 Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã xây dựng và thực hiện chương trình "Canh tác thông minh - thích ứng với biến đổi khí hậu", chương trình đã truyền tải đến bà con nông dân ĐBSCL những kiến thức quý giá của các nhà khoa học đầu ngành cũng như các kinh nghiệm bổ ích của các nhà nông tiên tiến qua đó góp phần giảm sự tác động và từng bước thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
Và đặc biệt trong năm 2019, chương trình "Canh tác thông minh - thích ứng với biến đổi khí hậu" được ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng smartphone vào trong mô hình sản xuất và tỉnh Kiên Giang.
Công ty đã hỗ trợ Sở NN-PTNT Kiên Giang 8 trạm quan trắc nước mặn, độ pH nước và xây dựng 2 mô hình cho 2 HTX tại huyện Hòn Đất và huyện Gò Quao trên diện tích gần 300 ha bằng các giải pháp đồng bộ từ các kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón Đầu Trâu một cách thông minh, sử dụng smart phone để theo dõi độ mặn, độ pH, nước trên ruộng, kết nối với máy bơm để bơm nước vào và rút nước chống ngập.
Mô hình được lãnh đạo các cấp đánh giá cao bởi mang lại nhiều hiệu quả cho nông dân, nhất là các vùng có điều kiện sản xuất khó khăn, các vùng có nước mặn xâm nhập, nông dân có thể tự sử dụng smart phone để tự kiểm tra xem thời gian nào trong ngày có thể bơm nước vào ruộng, giúp giảm thiểu sự tác động và canh tác lúa ngày càng thông minh và hiệu quả hơn.
Theo ông Đông, để nhân rộng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong quá trình sản xuất lúa của bà con ĐBSCL, Công ty Bình Điền sẽ hỗ trợ thiết bị quan trắc độ mặn, máy pH nước cập nhật tình hình nước qua ứng dụng smartphone. Hỗ trợ máy phun phân bón 1 máy/mô hình (giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sử dụng phân bón).
Về phân bón, hỗ trợ 100% chi phí mua phân bón đối với mô hình quy mô dưới 2 ha, 500.000 đồng/ha đối với mô hình trên 2 ha. Hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình: 15 triệu đồng/mô hình/vụ. Đồng thời Công ty còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cử người giám sát, theo dõi, đánh giá mô hình, viết báo cáo sơ kết mỗi vụ, hàng năm và tổng kết sau 2 năm triển khai. Với tổng kinh phí trên 3 tỉ đồng.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, việc xã hội hóa khuyến nông là điều cần thiết phải làm, không chỉ người làm khuyến nông mới làm khuyến nông. Các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nông dân cũng đang đồng hành để làm khuyến nông. Chương trình canh tác lúa thông minh - thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2022 là chương trình gắn kết các người làm khuyến nông thắt chặt với nhau hơn để tăng cường sức mạnh cho hệ thống khuyến nông nhằm mang lại các giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến mới nhất để chuyển giao cho bà con nông dân. Từ đó góp phần phát triển nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng giàu mạnh hơn.