Tập trung kích thích trải nghiệm dòng chảy
Sự hiện diện của các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến đang tác động đáng kể đến cục diện chung của ngành F&B. Tiềm năng phát triển của các lĩnh vực thương mại điện tử, đặt món trực tuyến đang ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết.
Theo thống kê từ The Statista, năm 2019, tại Việt Nam có khoảng 1,4 triệu người tham gia đặt đồ ăn thông qua các ứng dụng. Số lượng này vào năm 2023 ước tính tăng lên 4 triệu và có thể chạm ngưỡng 5 triệu người vào năm 2024. Doanh thu thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt 448 triệu USD trong năm 2022 và dự đoán có thể đạt ngưỡng 557 triệu USD vào năm 2024.
Lượng người dùng đặt món trực tuyến ngày càng tăng, mang đến nhiều cơ hội cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực F&B
Trong xu thế đó, trải nghiệm dòng chảy (toàn bộ trải nghiệm xuyên suốt quá trình mua hàng) khi tham gia các ứng dụng đặt món trực tuyến trở thành yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến việc thu hút khách hàng và tăng doanh thu của các nhà hàng, quán ăn. Cụ thể, trải nghiệm dòng chảy tốt sẽ giúp giữ chân khách hàng, tăng lượng khách hàng trung thành. Đây cũng là một trong những chủ đề được chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến "Phát triển cùng GoFood, tăng lợi nhuận cao vút", được Gojek tổ chức gần đây cho các đối tác nhà hàng. Buổi chia sẻ được Gojek tổ chức định kỳ nhằm giúp các đối tác nhà hàng GoFood cập nhật kiến thức về ngành F&B, cũng như trao đổi những phương pháp giúp tăng hiệu quả kinh doanh.
Tại buổi hội thảo, khách mời đặc biệt của chương trình – ông Nguyễn Bình Phương Duy – Thạc sĩ, Giảng viên Kinh tế chuyên ngành Kinh Doanh Quốc Tế - Thương Mại Điện Tử chia sẻ về 5 yếu tố có tác động lớn nhất đến trải nghiệm dòng chảy của khách hàng, bao gồm: sự thích thú/ sự phản hồi, sự tập trung, tính thông tin, các chương trình khuyến mãi và giá trị của các chương trình quảng cáo.
Trong đó, Thạc sĩ Phương Duy nhận định các chương trình khuyến mãi, giá trị của các chương trình quảng cáo và tính thông tin là những yếu tố có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số của các cửa hàng thông qua việc thu hút khách hàng đặt món ngay lập tức. Đồng thời, khi các yếu tố này kết hợp cùng sự phản hồi/ sự thích thú và sự tập trung lại tạo ra khả năng kích thích trải nghiệm dòng chảy, từ đó thôi thúc khách hàng tiếp tục đặt món trong những lần sau.
Xây dựng nền tảng thúc đẩy doanh số bán hàng
Theo đánh giá của Thạc sĩ Phương Duy, việc kích thích trải nghiệm dòng chảy bằng cách cải thiện từng yếu tố ảnh hưởng đến chúng sẽ góp phần thúc đẩy doanh số bán hàng cho các nhà hàng, quán ăn. Để gia tăng sự tập trung, chủ quán có thể đưa ra gợi ý những món ngon, món bán chạy, hoặc thiết kế các combo tiện lợi nhằm giúp khách hàng tiết kiệm thời gian tìm hiểu, đặt món hoặc dễ dàng thao tác khi có nhu cầu đặt số lượng lớn. Đối với thông tin, chủ nhà hàng nên liệt kê chi tiết thành phần, nguyên liệu món ăn; tạo nhiều tuỳ chọn món ăn; sử dụng hình ảnh rõ ràng, đẹp mắt để thuyết phục người dùng mua.
Tiếp đó, chủ nhà hàng, quán ăn cần sao sát phản hồi của khách hàng sau khi thưởng thức món ăn bằng cách xem đánh giá từ khách trên các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến như GoFood của Gojek. Bằng thao tác này, các nhà hàng quán ăn có thể kịp thời phát hiện ra sai sót, phản hồi tích cực các bình luận từ khách hàng hay báo cáo cho GoFood nếu tồn tại các bình luận sai sự thật. Ngoài ra, chạy khuyến mãi đúng cách và gia tăng mức độ hiển thị thông qua quảng cáo cũng là "bí kíp" có thể giúp tăng doanh thu hiệu quả.
Hợp tác với các nền tảng đặt món trực tuyến như GoFood của Gojek là một trong những giải pháp giúp các nhà hàng, quán ăn gia tăng khách hàng lẫn doanh số
Tuy nhiên, một vài đối tác nhà hàng bày tỏ trăn trở và đặt nhiều câu hỏi như: Chương trình khuyến mãi liệu có phải con dao hai lưỡi với các trường hợp doanh thu không như mong đợi. Đối với các sản phẩm được định vị "cao cấp", liệu khách hàng có tâm lý hoài nghi với mức giá rẻ như thế thì chất lượng liệu có "ảo". Có trường hợp khách hàng đã quen với mức giá khuyến mãi, khi đưa mặt hàng về giá cũ, họ lại không muốn nữa vì cảm thấy lãng phí.
Thạc sĩ Phương Duy cho biết các đối tác nhà hàng, quán ăn cần lựa chọn tham gia các chương trình khuyến mãi sao cho phù hợp với quy mô và tính chất của cửa hàng. Cần thiết kế chương trình khuyến mãi phù hợp với đối tượng khách hàng và nguồn lực của cửa hàng. Người bán có thể áp dụng các chương trình khuyến mãi mang tính linh hoạt theo thời gian, giúp tăng kích thước đơn hàng như bán theo combo; hoặc các chương trình khuyến mãi không ảnh hưởng đến giá món như freeship, tặng thêm món. Các cửa hàng cũng không nhất thiết tham gia các chương trình khuyến mãi vào giờ cao điểm, mùa lễ tết hay cuối tuần mà có thể dàn trải các chương trình khuyến mãi đều trong năm.
Theo dữ liệu của GoFood thống kê từ các đối tác sử dụng các chương trình khuyến mãi từ đầu năm 2023 đến hiện tại, nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, tổng lượng đơn hàng ước tính tăng trung bình 32%, tính cho các các đối tác vừa và nhỏ, lượng khách hàng đặt đơn tăng hơn 30%. Giá trị trung bình đơn hàng tăng lên khoảng 10% so với trước khi tham gia các chương trình khuyến mãi. Doanh thu tại cửa hàng tăng khoảng 42% và sau khi trừ đi các chi phí thì thu nhập ròng của các cửa hàng tăng lên 35% sau khi tham gia các chương trình khuyến mãi.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Phương Duy cũng nhấn mạnh, nếu các chương trình khuyến mãi là bước đệm giúp người dùng tiếp cận và đặt món nhanh chóng, dễ dàng hơn, thì chất lượng món ăn và dịch vụ mới chính là nền tảng giúp các nhà hàng, quán ăn giữ chân khách hàng lâu dài.