Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô không mấy sáng sủa, thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng khá tiêu cực. Tính từ đầu năm đến hết quý III-2022, chỉ số VN-Index giảm từ 1.485,6 điểm xuống còn 1.132,1 điểm, tương ứng với mức giảm 23,8%.
Thanh khoản của thị trường cũng giảm mạnh với giá trị giao dịch trung bình trong tháng 9-2022 là 13.400 tỉ đồng/phiên giao dịch, thấp hơn rất nhiều so với cuối năm 2021 là 32.000 tỉ đồng/phiên giao dịch.
Với bối cảnh này, kết quả kinh doanh (KQKD) của nhiều công ty chứng khoán suy giảm mạnh. ACBS cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Cụ thể, lũy kế 3 quý đầu năm 2022, ACBS ghi nhận doanh thu đạt 995 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt đạt 13,2 tỉ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là doanh thu mảng tự doanh giảm còn 344,6 tỉ đồng (-43%) trong khi chi phí hoạt động mảng này tăng lên 538 tỉ đồng (57%) dẫn đến tự doanh lỗ 193,6 tỉ đồng; doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng giảm 23% so với cùng kỳ năm trước…
Tuy vậy, điểm sáng trong kết quả kinh doanh của ACBS là doanh thu từ việc cho vay margin trong 3 quý đầu năm 2022 đạt 287 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ACBS, hoạt động kinh doanh của công ty năm 2022 hoàn toàn trái ngược với năm 2021. Nếu như năm 2021, mảng tự doanh là điểm sáng giúp cho ACBS ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận vượt bậc thì năm 2022 mảng này là nguyên tố chính làm cho lợi nhuận công ty sụt giảm trầm trọng.
Thế nhưng, so với mặt bằng chung VN-Index đã giảm 23,8% so với đầu năm và đến hết quý III-2022, danh mục tự doanh của ACBS chỉ giảm 10,4% khi cổ phiếu trong danh mục luôn ở mức cao. So với hiệu quả hoạt động của một số quỹ lớn trên thị trường thì mức giảm này thuộc nhóm hiệu suất khá tốt trong năm 2022.
Trao đổi với báo giới, đại diện ACBS cho biết việc cơ cấu cổ phiếu rất quan trọng. Khi thị trường con gấu (thị trường giảm điểm), nhà đầu tư có thể lựa chọn những cổ phiếu phòng thủ (cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh ổn định, ít chịu biến động bởi những yếu tố kinh tố vĩ mô).
"Trong ngắn hạn, do tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn nên khả năng VN-Index còn chịu sự điều chỉnh. Tuy nhiên, nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt cùng nhiều tiềm năng phát triển nên việc VN-Index điều chỉnh là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho những mục tiêu tài chính dài hạn" - ACBS nhận định.