Asia Plus, một công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam với hệ thống nghiên cứu Q&Me, vừa thực hiện cuộc khảo sát mức độ sử dụng ứng dụng thanh toán trên điện thoại tại Việt Nam. Theo Asia Plus, các ứng dụng thanh toán trên di động đã tác động tới xu hướng chi tiêu ở các nước châu Á và xu hướng này cũng dần lan rộng ở Việt Nam.
Cuộc khảo sát được thực hiện với gần 400 người dùng ở TP HCM và Hà Nội, trong độ tuổi từ 18-39. Kết quả cho thấy các ứng dụng ví được người tham gia khảo sát nghĩ tới đầu tiên là MoMo, ViettelPay, Moca và ZaloPay…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thị trường Việt Nam đang có khoảng 30 công ty được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó chủ yếu là ví điện tử.
Dù chưa có số liệu thống kê chính thức về thị phần của các ví điện tử có mặt tại Việt Nam, nhưng kết quả khảo sát được Asia Plus thực hiện cho thấy 94% thị trường thuộc về MoMo, ViettelPay, Moca, AirPay và ZaloPay. Hơn 50% người được hỏi cho biết họ sử dụng các ứng dụng thanh toán để nạp thẻ cào điện thoại; thanh toán hoá đơn Internet, điện, nước, chuyển tiền đến bạn bè hoặc người thân và mua vé tại rạp chiếu phim…
Thanh toán qua ví ngày càng phổ biến. Ảnh: Hoàng Triều
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 10-2019 đã có trên 47 tổ chức thực hiện thanh toán qua điện thoại di động; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh di động tăng tương ứng 186% và 221% so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán qua QR Code tuy là hình thức thanh toán điện tử mới nhưng cũng đạt mức tăng trưởng khá.
Thanh toán qua di động đang tăng trưởng mạnh và được nhận định sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới. Dù vậy, quy định về điều kiện và tỉ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán mới đây tại dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt gây băn khoăn.
Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt được Ngân hàng Nhà nước soạn thảo quy định rõ tỉ lệ tối đa phần vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp là 49% vốn điều lệ của tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép cung ứng dịch vụ.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 vừa tổ chức, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), bà Amanda Rasmussen cho rằng sự phát triển của dịch vụ tài chính và công nghệ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc thực thi một khung pháp lý, chính sách và quy định mà trong đó hỗ trợ đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào ngành tài chính toàn diện. Như thanh toán không tiền mặt là tất yếu cho sự đổi mới, thành phố thông minh và công nghệ 4.0…
Do đó, bà Amanda Rasmussen nhận định việc đặt ra giới hạn tỉ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính của Việt Nam khi gọi vốn từ nhà đầu tư ngoại. Điều này có thể giới hạn khả năng thu hút nhân tài và làm cho công ty khởi nghiệp kém cạnh tranh hơn so với các công ty ngang hàng trong khu vực. Dự thảo nghị định áp đặt mức trần về sở hữu vốn nước ngoài, và hạn chế này có thể gây trở ngại lớn cho việc phát triển lĩnh vực này.