Nhưng trong vòng 5-10 năm tới, khi con cháu của họ (hiện đang ở tầm 20-30 tuổi) chính thức tiếp quản cơ nghiệp, sẽ có một thế hệ tỉ phú thứ hai. Lúc này các gia đình tỉ phú sẽ gia tăng cả về số lượng, quy mô và tầm ảnh hưởng.
Kế thừa nền tảng
Có rất nhiều điểm khác biệt giữa một tỉ phú đơn lẻ và một gia đình gồm nhiều tỉ phú. Trong phạm vi bài viết này đề cập đến 3 vấn đề, đó là cách thức làm giàu, khả năng quản lý cơ nghiệp và ảnh hưởng đối với xã hội của tỉ phú và các gia đình tỉ phú. Một gia đình có nhiều tỉ phú, gắn kết, tương trợ lẫn nhau để tiếp tục làm giàu hiệu quả sẽ gia tăng gấp bội so với một tỉ phú. Nếu một gia đình duy trì sự giàu có qua nhiều thế hệ, có nhiều tỉ phú cho thấy họ có cách làm giàu bền vững.
Nhiều người vẫn có ác cảm với một số người giàu, cho là cách làm giàu có vấn đề. Nhưng những ác cảm như vậy sẽ sớm biến mất, nhất là khi thế hệ F2 tiếp nối cơ nghiệp của các tỉ phú F1. Lúc đó chỉ những người giỏi, những mô hình kinh doanh hiệu quả, minh bạch, công ty có trách nhiệm xã hội mới có thể tồn tại. Điều này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn nữa nếu các công ty đó niêm yết trên TTCK, vì có thể huy động thêm nhiều nguồn lực và cả sự giám sát, phản biện để phát triển một cách bền vững.
Tại nước ngoài, những gia đình như thế này rất được nể trọng. Họ được nể trọng không phải bởi họ giàu mà là ở khả năng làm việc cật lực, sáng tạo và duy trì được nó. Tại Việt Nam hiện đã có thống kê các gia đình tỉ phú trên sàn chứng khoán, nhưng phần lớn các mối liên kết nằm ở thế hệ đầu (tạm gọi là F1), thế hệ thứ hai như anh-em, vợ-chồng (tạm gọi là thế hệ F2) vẫn đang trong giai đoạn được đào luyện.
Một số F2 hiện đang còn đi học, số khác có thể đang làm việc tại bên ngoài, cũng có những công ty có F2 đang làm việc, nhưng lại ở các vị trí quản lý cấp trung. Rất ít trường hợp F2 đứng mũi chịu sào, lèo lái công ty nên thành công lại càng hiếm hoi.
Lợi thế lớn nhất của F2 không nằm ở khối lượng tài sản họ được thừa hưởng mà đó là tầm nhìn, kinh nghiệm, cách thức quản lý tiền bạc của F1. Những ai sở hữu kho tài nguyên vô giá này biết kết hợp với những kiến thức bài bản về quản lý, kinh doanh sẽ trở thành những doanh nhân xuất sắc, song với điều kiện các tỉ phú F1 đầu tư cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Hiện không ít con cái của các tỉ phú học giỏi, có học vị cao, nên trong tương lai gần chúng ta sẽ có một thế hệ doanh nhân không chỉ giỏi làm ra tiền mà còn được đánh giá rất cao về mặt tri thức. Không ít con em của các tỉ phú F1 đã đi học nước ngoài, đây cũng là nền tảng để sau này đưa công ty của gia đình tỉ phú mở mang thị trường mang tầm quốc tế.
Vậy nên, sẽ có nhiều doanh nhân F2 không chỉ quản lý cơ nghiệp sẵn có của cha ông, mà có thể tự mình chuyển hướng sang những ngành nghề khác để từ đó tạo thành những tập đoàn đa ngành, đa nghề với quy mô cực lớn. Nói đến đây, nhiều người sẽ nghĩ rằng thế hệ F2 và cả sau này là F3, F4 có “số hưởng”, nhưng thực tế không dễ dàng như vậy.
Áp lực của F2
Áp lực đầu tiên chính từ… bản thân F2. Đã từng có câu chuyện có người hỏi con trai của một tỉ phú trên sàn chứng khoán tại sao không nỗ lực để được như cha của mình? Câu trả lời là “ba tôi là con của nông dân, còn tôi là con của… tỉ phú”. Sống trong nhung lụa, sung sướng dễ làm cho con người thỏa mãn và mất đi động lực phấn đấu.
Thế nên, việc con cái của các tỉ phú nói riêng và những người giàu nói chung tiếp tục kinh doanh, làm giàu cho bản thân, cho gia đình cũng đòi hỏi ý chí và sự cầu tiến rất cao. Trong thực tế, có những gia đình cha mẹ rất giàu có, nhưng con cái nhiều khi lại không chọn theo con đường kinh doanh mà rẽ ngang sang làm nghệ thuật, hoặc chỉ chọn một cuộc sống bình thường.
Áp lực kế tiếp chính là từ F1, khi cái bóng quá lớn của họ có thể khiến con cái mình bị “ngợp” thực sự. Những câu chuyện chẳng hạn như ông chủ tịch HĐQT này hay tổng giám đốc nọ nhường ghế cho con em mình nắm giữ nhưng thực ra vẫn quyết mọi vấn đề quan trọng khá phổ biến.
Có thể F2 chưa đủ độ “cứng” nên F1 vẫn phải tương trợ hoặc F2 không đủ tầm. Nhưng ở chiều ngược lại, F1 cũng có thể gặp vấn đề trong quá trình chuyển giao quyền lực trong công ty. Hiện tại có những công ty mà ở đó ảnh hưởng của những người sáng lập bao trùm, nhưng một điều chắc chắn là khi con cái của những vị này lên thay, mô hình quản trị sẽ thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào, phân quyền như thế nào để không gây xung đột lợi ích là một bài toán không dễ giải.
Những cổ đông sáng lập có thể rất thân tình với nhau, nhưng con cái của những cổ đông này có quan hệ tốt với nhau hay không chưa chắc. Hay trong quan hệ với các đối tác, họ có thể nể trọng F1 phần nào, nhưng nếu là F2 sẽ có những thay đổi nhất định. Đó là lý do vì sao trong những năm qua đã có những chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc chủ động rời ghế nhưng cuối cùng vẫn phải quay lại vì người lên thay (có thể là con em) chưa đủ tầm.
Trong thời gian tới đây, không ít công ty sẽ xuất hiện những rủi ro hay cơ hội liên quan đến việc chuyển giao các vị trí quan trọng như chủ tịch HĐQT hay tổng giám đốc. Công ty tiếp tục lớn mạnh, bứt phá hay đi xuống sẽ phụ thuộc vào việc chuyển giao có thành công hay không. Vậy nên, ngoài việc chú ý đến hoạt động kinh doanh, các cổ đông cũng phải chú ý đến kế hoạch chuyển giao của công ty như thế nào, đã chuẩn bị đội ngũ kế cận đến đâu.
Tỉ phú và trách nhiệm xã hội
Theo thời gian, số lượng tỉ phú trong một gia đình tỉ phú sẽ tăng lên, tốc độ giàu có của các gia đình này cũng có thể cao hơn mức trung bình của xã hội. Các công ty thuộc những gia đình này không chỉ được đánh giá cao về hoạt động kinh doanh hay việc tích lũy tài sản, mà còn ở sự ổn định, truyền thống lâu đời. Một người bạn của tôi có đặt câu hỏi rằng đến khi nào chúng ta mới có những tỉ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg… sẽ hiến một phần lớn, thậm chí toàn bộ tài sản của mình làm từ thiện?
Tôi nghĩ đây là một vấn đề khá thú vị mang tính hệ quả của một quá trình làm giàu-tích lũy-cho đi. Không ít tỉ phú trên thế giới xuất phát điểm của họ dù chưa phải là tỉ phú, nhưng cũng là gia đình trung lưu hoặc thượng lưu và trải qua nhiều thế hệ như vậy. Họ đã biết cách quản lý tiền, cách cho đi và cũng được tích lũy theo thời gian.
Tại Việt Nam cũng có nhiều tỉ phú vẫn phải tiếp tục làm giàu, phát triển quy mô của công ty, cơ nghiệp của mình đang gầy dựng và vẫn đang trong quá trình tích lũy. Họ cũng đóng góp cho xã hội rất tích cực, nên đây cũng sẽ là những cơ sở để các thế hệ F2, F3… tiếp tục phát huy. Những người giàu hơn sẽ ý thức được trách nhiệm với xã hội nhiều hơn.
Trách nhiệm ở đây trước tiên là phải hoạt động kinh doanh bài bản, tuân thủ pháp luật, công khai, minh bạch để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho xã hội và cho chính họ, sau đó mới đến các hoạt động mang tính chất thiện nguyện. Những hoạt động xã hội của các tỉ phú dần dần sẽ có một chiến lược dài hơi hơn, kiểu như các chương trình tài trợ cho phát triển y tế của tỉ phú Bill Gates.