Dưới đây là 6 điều mà các nhà nghiên cứu đã khám phá về quan hệ giữa tiền và hạnh phúc:
1. Mãi lo kiếm tiền làm giảm hạnh phúc
Nhiều người làm việc cực khổ để kiếm tiền vì tin rằng tiền sẽ mang lại hạnh phúc hơn, nhưng kết cuộc lại bị quá tải trong công việc và stress.
Theo nhà kinh tế học Princeton và chuyên gia tâm lý từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman, những người có thu nhập trên mức trung bình thường tương đối hài lòng với cuộc sống của họ nhưng lại ít khi cảm thấy vui vẻ hơn những người khác trong những hoàn cảnh nhất định. Họ thường cảm thấy căng thẳng hơn và không dành nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi giải trí.
Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng những người làm việc liên tục nhiều giờ mỗi ngày và mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống thường được xếp vào nhóm có chỉ số hạnh phúc rất thấp. Kết luận là: một khi những nhu cầu cơ bản của cuộc sống được đáp ứng, hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng thời gian nhiều hơn là vào số tiền chúng ta kiếm được.
2. Dư thừa có thể sinh nhàm chán
Theo nhà tâm lý học Daniel Kahneman, khi có nhiều tiền, người ta có thể mua nhiều thứ để thỏa mãn các nhu cầu, nhưng niềm vui khi thưởng thức từng món đồ đã mua sẽ ít lại. Điều này có nghĩa khi bạn tự thết đãi bản thân một cách quá thường xuyên thì những niềm vui khi ấy sẽ không còn đặc biệt nữa.
Ngược lại, nếu thỉnh thoảng bạn mới cho phép bản thân có những trải nghiệm hay thú vui nào đó thì cảm giác sẽ rất đặc biệt, làm tăng sự thỏa mãn của bản thân bạn.
3. Công tác nhiều làm tổn hại hạnh phúc
Dành nhiều thời gian những chuyến công tác trên tàu xe, máy bay đồng nghĩa với việc bạn có ít thời gian để ở bên gia đình, bạn bè và có nguy cơ mắc các bệnh như đau lưng, cholesterol trong máu cao, tăng cân và dễ bực dọc.
Một nghiên cứu của Mỹ dựa trên kết quả khảo sát 4.297 người bang Texas cho thấy càng di chuyển đường xa, thể trạng và sự cân đối của họ cũng giảm dần.
Nhà khoa học Robert Putnam của Đại học Havard thậm chí còn rút ra một phép ước lượng rằng cứ 10 phút di chuyển làm bạn giảm 10% ý muốn giao kết xã hội và từ đó đưa đến tình trạng tự cô lập với xã hội, khiến bạn không cảm thấy hạnh phúc.
4. Trải nghiệm mới có ý nghĩa hơn vật chất mới
Các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell (Mỹ) gần đây đã khám phá ra rằng việc chi tiền cho những trải nghiệm mới thú vị trong cuộc sống sẽ giúp người ta thấy hạnh phúc hơn việc mua một món đồ mới. Vì hạnh phúc gắn với vật chất thường có xu hướng giảm dần theo thời gian.
Một chiếc áo sơ mi mới có thể mang đến sự phấn khởi vào tuần trước, nhưng đến tuần này nó đã trở thành bình thường. Trong số 1.045 người được trang Credit Donkey khảo sát có đến hơn một nửa cho rằng họ thường cảm thấy hối hận sau khi mua sắm một món đồ đắt tiền.
Trong khi đó, nếu cùng ăn, cùng học hay đi du lịch với bạn bè sẽ cho bạn những kỷ niệm đẹp và giúp thắt chặt quan hệ xã hội.
5. Trả trước để tăng niềm vui về sau
Mua hàng bằng thẻ tín dụng có thể khiến bạn thấy ức chế khi hóa đơn thanh toán được gửi đến sau vài tuần. Trái lại, việc dành dụm tiền cho một điều gì đó bạn thích và trả tiền trước có thể giúp bạn cảm thấy vui vẻ hơn.
Đầu tiên, bạn thưởng thức niềm vui của sự mong đợi. Sau đó, khi bắt đầu trải nghiệm một dịch vụ hay chuyến đi, bạn sẽ có cảm giác như được miễn phí và không bị áp lực tiền bạc khi đang thưởng thức điều mình mong muốn.
6. Tiêu tiền vì người khác có thể giúp bạn hạnh phúc
Hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc phần lớn vào chất lượng của những mối quan hệ xã hội. Theo nhà tâm lý học Elizabeth Dunn, hầu như mọi điều chúng ta làm để cải thiện những mối quan hệ với mọi người xung quanh đều mang lại niềm vui cho chính mình.
Nhà nghiên cứu này đã thực hiện một khảo sát tại trường Đại học British Columbia ở Canada. Ông chọn một số sinh viên của trường rồi trao mỗi người từ 5-20 USD và yêu cầu họ chi tiền cho bản thân hoặc người khác. Đến cuối ngày khi tổng kết lại, những sinh viên đã tiêu số tiền cho người khác đều bảo rằng họ cảm thấy vui vẻ hơn so với những người tiêu tiền cho chính mình.