Cạnh tranh gay gắt
Thị trường mì ăn liền Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Mới đây, Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết mức tiêu thụ sản phẩm này tại Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản.
Theo đó, tổng sản lượng thị trường trong nước hiện ở mức khoảng hơn 7 tỉ gói/năm, cùng doanh thu hơn 20.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 4 năm trước đây, thị trường mì ăn liền tăng trưởng tới 24%. Năm 2013, tốc độ tăng trưởng chững lại, chỉ đạt khoảng 5% nhưng thị trường vẫn được xem là “miếng bánh ngon” cho nhiều ông lớn.
Doanh nghiệp Việt không dẫn đầu thị trường mì ăn liền Việt nhưng những ông lớn như Masan, Asia Foods hay Vifon đều khẳng định vị thế của mình. Hiện, Masan Consumer là doanh nghiệp Việt chiếm thị phần cao nhất với tỉ lệ 16,5%. Asia Food chiếm thị phần 12,1%.
Thị trường mì ăn liền Việt Nam cạnh tranh gay gắt
Vina Acecook, công ty có vốn đầu tư từ Nhật Bản đang dẫn đầu thị trường với thị phần 51,5%. Vina Acecook đang sở hữu hơn 20 nhãn hiệu mì... Như vậy, 3 “ông lớn” của ngành đã nắm giữ hơn 80% thị phần. 20% còn lại dành cho các thương hiệu nhỏ hơn như Miliket – Cosula, Vifon,…
Thị trường mì ăn liền tưởng chừng như đang cạnh tranh khốc liệt và rất chật hẹp. Thế nhưng một số ông lớn vẫn nhìn thấy tiềm năng và không ngại đổ núi tiền. Rót 41 triệu USD vào thị trường Việt Nam từ năm 2011, phải tới năm 2013, tập đoàn mỳ hàng đầu Nhật Bản – Nissin mới tung ra thị trường một dòng sản phẩm mới khá đặc biệt: mỳ không chiên Nissin.
Kinh Đô, ông lớn ngành thực phẩm Việt Nam cũng không bỏ qua thị trường béo bở này. Kinh Đô tuyên bố sẽ sản xuất mì gói. Theo kế hoạch, Kinh Đô tung hàng từ cuối năm 2013, nhưng họ phải dừng lại vì còn một số yếu tố chưa chín mùi.
Dù kế hoạch không diễn ra như dự kiến nhưng Kinh Đô vẫn quyết tâm thực hiện chiến lược này. Bên cạnh đó, Kinh Đô còn phát triển thêm mảng gia vị. Có vẻ như ông lớn ngành thực phẩm Việt chưa hài lòng với những gì đã làm được trên thị trường bánh kẹo.
Hiện tại, thị trường mì gói vẫn là “cuộc chiến khốc liệt” giữa Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Food. Các thương hiệu còn lại, chịu chung số phận cùng nhau “gặm nhấm” 20% ít ỏi còn lại. Ngay cả “đại gia Nhật” Nissin dù lắm tiền nhiều của nhưng vẫn chưa có được sự bứt phá sau 3 năm gia nhập thị trường.
Trong 20% thị phần còn lại, Miliket – Cosula, Vifon phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ nhiều nhãn hiệu mì nhập khẩu từ Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông như Shin Yam Yum, Waiwai, mì vị ChaJang, mỳ Mama, Koka… Tuy nhiên, các nhãn hiệu này tồn tại khá âm thầm trong các kệ hàng siêu thị vì không có chiến dịch quảng cáo “khủng” như Hảo Hảo, Omachi hay Kokomi,…
Không có cửa cho hàng Trung Quốc
Ưu điểm lớn nhất của hàng Trung Quốc chính là giá rẻ. Nhưng trong thị trường mì ăn liền, giá rẻ không còn là ưu điểm của hàng Trung Quốc nữa vì các đại gia Việt Nam và Nhật Bản đã lấp đầy mọi phân khúc. Ở phân khúc cao cấp, Masan Consumer chiếm lĩnh với các thương hiệu như Omachi. Ở phân khúc trung cấp có mì Tiến Vua.
Còn ở phân khúc bình dân – phân khúc hàng Trung Quốc thường chiếm ưu thế trong nhiều ngành, thị trường cạnh tranh quyết liệt với nhiều nhãn hiệu đắt khách. Masan Consumer có Kokomi, Asia Food có mì Gấu Đỏ và đặc biệt Vina Acecookc có Hảo Hảo.
Hảo Hảo được xem là thương hiệu mì ăn liền bán chạy nhất Việt Nam. Theo thống kê của Euromonitor, năm 2012, cùng với 2 nhãn hiệu mì ăn liền bình dân khác của Vina Acecook, Hảo Hảo chiếm khoảng 49,3% thị phần.
Các nhãn hiệu mì ăn liền ở phân khúc bình dân có giá khoảng 3.000 đồng/gói. Nhưng đó chưa phải mức giá thấp nhất thị trường. Big C phát triển dòng mì ăn liền riêng và bán với giá rất cạnh tranh. Mì chua cay mang nhãn hiệu Wow có giá chỉ 2.200 đồng/gói, một thùng 30 gói giá 65.000 đồng.
Có thể thấy, ngay tại phân khúc lợi thế nhất, mì ăn liền Trung Quốc khó có cửa cạnh tranh. Nếu bánh kẹo Trung Quốc dù “bại trận” trước đại gia Việt nhưng vẫn chiếm được một số địa bàn nhất định như chợ truyền thống và cổng trường tiểu học, trung học thì mì ăn liền Trung Quốc hoàn toàn trắng tay.
Trong các siêu thị, nơi mì ăn liền tràn ngập, đủ các thương hiệu từ Việt tới Thái Lan, tới Hàn Quốc, rất khó khăn để tìm gói mì ăn liền có chữ Trung Quốc. Tại thị trường nông thôn, mỳ ăn liền Trung Quốc cũng vắng bóng vì sự chiếm lĩnh của Hảo Hảo, Kokomi hay mỳ Tiến Vua.
Hiện trên thị trường Việt Nam, tập đoàn Uni – President, Đài Loan cũng chen chân vào ngành mì ăn liền khi rót vốn thành lập Công ty Uni - President (Việt Nam). Tổng vốn đầu tư của công ty này đạt 225 triệu USD. Số tiền khổng lồ này dành cho nhiều ngành trong đó có mì ăn liền.
Uni – President đã tung ra một số nhãn hiệu như mì Unif, mì Vua bếp, mì Uni- Tôm, mì Uni – Fly. Tuy nhiên, chưa sản phẩm nào của Uni – President tạo được tiếng vang. Và chắc chắn, thị phần của Uni – President khá khiêm tốn trên thị trường Việt.
Tingyi là loại mì nổi tiếng trong cộng đồng Hoa ngữ. Tingyi chiếm tới 56% thị phần ở Trung Quốc. Nhưng hầu như không thực khách nào ở Việt Nam biết đến thương hiệu này. Ngoài ra, những loại mỳ nổi tiếng nhất Trung Quốc như Wuhan, Beijing, Shanxi, Henan Xiaoji, Lanzhou ramen, Hangzhou Pian Er Chuan, Kunshan Aozao, Zhenjiang,… cũng hoàn toàn xa lạ với người Việt.
Phải đối mặt với những ông lớn trên thị trường Việt, mì ăn liền Trung Quốc còn gặp khó khi “mang tiếng” bởi “đồng nghiệp” ở quê nhà. Các đây hơn 1 năm, dư luận thế giới xôn xao với thông tin cảnh sát Côn Minh (Trung Quốc) phát hiện một nhóm nhỏ các nhà máy hoạt động trái phép tại khu vực phía Tây Nam thành phố bị nghi ngờ sản xuất hàng trăm tấn mì nhiễm độc.
Không chỉ có vậy, thông tin hàng trăm thùng mỳ ăn liền của Công ty TNHH Thực phẩm Jinmailang Nissin, một công ty ở Trung Quốc đã bị thu hồi vì bị phát hiện có hàm lượng axit cao, gây nôn mửa, tiêu chảy và ảnh hưởng tới gan cũng khiến mỳ ăn liền Trung Quốc mất điểm.
Cộng với hàng loạt vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui gây chấn động, mì ăn liền Trung Quốc khiến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng hóa Trung Quốc sụt giảm mạnh.