Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam vừa đưa ra một vài nhận định khi trao đổi nhanh với Nhịp sống doanh nghiệp - BizLIVE xoay quanh chủ đề dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán gần đây, đặc biệt là 2 phiên vừa qua.
Ông có bình luận gì về dòng tiền giao dịch trên thị trường chứng khoán thời gian qua, đặc biệt là 2 phiên đầu tuần đều vượt mốc 20.000 tỉ đồng?
Ông Phan Dũng Khánh
Có một số lý do cho dòng tiền vào thị trường mạnh thời gian qua. Thứ nhất, số lượng nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư F0 mở tài khoản trong tháng 3 tiếp tục phá mức kỷ lục lịch sử. Kỷ lục liên tiếp được phá từ cuối năm ngoái trở lại đây, tháng sau cao hơn tháng trước, cho thấy dòng tiền đổ vào thị trường vẫn rất mạnh, chủ yếu như năm ngoái đến từ nhà đầu tư cá nhân, F0 là nhiều.
Thứ hai, thị trường có chuyển biến từ khối ngoại, sau giai đoạn bán ròng rất mạnh hồi năm ngoái và trong quý 1 năm nay thì bắt đầu từ tháng 4 đã có sự xen kẽ một số phiên mua ròng, đặc biệt khi VN-Index vượt ngưỡng 1.200 điểm.
Đồng thời tự doanh của các công ty chứng khoán khá tích cực trong giai đoạn này. Có thể thấy, dòng tiền mang tính chất đồng thuận hơn, nếu giai đoạn năm ngoái chủ yếu từ nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, đợt này thêm nhà đầu tư tổ chức, NĐTNN, dù chỉ xuất hiện mới đây, chưa phải là yếu tố rõ nét nhưng ít nhất giúp thanh khoản lập kỷ lục.
Thứ ba, những kênh đầu tư khác như vàng đang yếu, bất động sản dù “nóng” một số nơi nhưng thanh khoản kém hơn. Với thị trường chứng khoán thanh khoản tốt hơn, các nhà đầu tư có ít vốn có thể tham gia được, cộng với sự hỗ trợ từ margin… nên dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hơn.
Ông có cho rằng nếu cơ sở hạ tầng vận hành trơn tru thì thanh khoản sẽ còn tốt hơn?
Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố còn cơ sở hạ tầng chỉ một trong những yếu tố thôi. Hồi năm ngoái khi thị trường bắt đầu bật tăng, lúc đó hạ tầng thị trường vẫn đang đáp ứng đủ thì mọi thứ vẫn ổn. Chỉ khi VN-Index gấp đôi hồi năm ngoái thì bắt đầu có biến động, nên vấn đề là phải đi kèm với nhiều chính sách khác. Hiện nay là hỗ trợ kinh tế, kinh tế phục hồi, nới lỏng tiền tệ, những chính sách thu hút vốn ngoại… nhiều yếu tố đó mới tạo dòng tiền chứ không riêng yếu tố cơ sở hạ tầng.
Theo quan sát của ông, thị trường hiện nay và giai đoạn 2007-2008 có gì giống và khác nhau?
Thời điểm đó và thời điểm hiện nay có điểm chung là dòng tiền đổ vào thị trường mạnh, tính theo từng giai đoạn đó. Điểm nữa là các nhà đầu tư F0 giai đoạn nào cũng có và kiến thức của họ về thị trường sau nhiều năm không có nhiều sự thay đổi, thông thường nhà đầu tư thấy thị trường “dễ ăn”, họ mở tài khoản và “bay” vào giao dịch.
Qua truyền thông, tôi được biết thậm chí có trường hợp có ông chạy xe ôm công nghệ, đầu tư 2- 3 tháng có lời, theo đó ông làm tư vấn đầu tư chứng khoán cho khách hàng đi xe ôm của mình. Hoặc có người đầu tư vài tháng có lời là mở lớp dạy trong khi chỉ biết chứng khoán vài tháng trước.
Nhà đầu tư F0 giai đoạn nào cũng giống nhau là họ không tìm hiểu kỹ, điều này nguy hiểm ở chỗ khi thị trường đảo chiều họ sẽ không ứng biến được do không có kinh nghiệm, vì thật ra thị trường tốt ai cũng thắng. Các nhà đầu tư cần lưu ý muốn biết mình giỏi hay không, “kiếm” được hay không thì phải so sánh với mức độ trung bình của thị trường. Ví dụ, năm ngoái tính từ mức bật lên hồi tháng 3 là VN-Index tăng 70%, HNX-Index tăng 120%, như vậy danh mục đầu tư của nhà đầu tư phải lời hơn ít nhất một trong hai chỉ số này, nếu không thị trường đảo chiều là danh mục sẽ lỗ nặng hơn thị trường liền.
Ông thấy những nhóm ngành nào hút mạnh dòng tiền?
Năm ngoái, dòng tiền đổ vào thị trường và phân bổ diện rộng, hầu như mua gì cũng đúng. Nhưng hiện nay cần lưu ý, thanh khoản tăng mạnh (trừ 2 phiên đột biến) nhưng đó là về mặt giá trị, còn xét về khối lượng giao dịch thì vẫn thua hồi tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Có nghĩa là VN-Index năm nay đã gấp đôi hồi năm ngoái, nếu nhà đầu tư phải mua cổ phiếu hồi năm ngoái thì phải bỏ ra số tiền nhiều hơn. Nên giá trị thấy tăng nhanh nhưng thanh khoản không tăng bằng.
Bởi vậy hiện thị trường có sự phân hóa. Ví dụ trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, sắp thép, bất động sản… không phải tất cả cổ phiếu trong ngành đó tăng mà chỉ một số thôi. Nhà đầu tư sẽ thấy khó chơi hơn và thực tế đã có người bị lỗ nặng.
Qua quan sát, dòng tiền tôi thấy tập trung vô 2 nhóm, một là nhóm ảnh hưởng tới chỉ số nhiều, như VN30; thứ 2 nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sóng đó rất khủng khiếp. Thị trường có thể giảm nhưng những cổ phiếu đó vẫn tăng trần vì sở hữu ưu điểm là nhà đầu tư cá nhân, F0 rất thích do vốn hóa nhỏ, giá trị nhỏ. Nhiều nhà đầu tư không quan tâm doanh nghiệp làm ăn tốt xấu, điều họ quan tâm là thị giá rẻ thì mua 1 lên 2 dễ hơn việc mua cổ phiếu thị giá 100.000 đồng để tăng lên được 200.000 đồng. Thậm chí nhiều nhà đầu tư còn không biết công ty đó là công ty gì, sản xuất kinh doanh gì, họ chỉ cần biết 3 chữ cái…
Ông có lưu ý gì với nhà đầu tư, nhất là với nhà đầu tư F0?
Năm ngoái khi dịch bệnh còn ảnh hưởng nhiều, mọi người phải thực hiện giãn cách, khi đó nhà đầu tư ở nhà, họ có tâm lý phải kiếm tiền và tham gia vào thị trường. Tuy nhiên hiện nay dịch đã kiểm soát tốt hơn, mọi người đã hình thành suy nghĩ “sống chung với lũ”, vắc-xin phổ biến hơn, kinh tế bắt đầu phục hồi trở lại, các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động và phát triển trở lại… nếu dòng tiền tiếp tục tập trung vào các sản phẩm đầu cơ quá nhiều thì như vậy là một trong rủi ro lớn tạo ra bong bóng.
Nên ở đây chúng ta cần chính sách định hướng dòng tiền phải đổ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho kinh tế, khi đó thị trường chứng khoán tự khắc tăng trưởng bền vững. Còn nếu chỉ tập trung vô đầu cơ ngắn hạn, nhà đầu tư lên các group “khoe” lãi thì khi đó không mang lại giá trị, thị trường tăng “nóng” và tiềm ẩn rủi ro.
Hiện nhà đầu tư được tiếp cận thông tin nhiều hơn nhưng rủi ro là họ ôm đồm, không phân biệt được thông tin nào ổn, chuẩn, đâu là tin giả. Không chỉ lĩnh vực này mà các lĩnh vực khác cũng đều sợ tin giả, nhà đầu tư cần tỉnh táo chọn lọc để tránh rủi ro khi đầu tư.
Cảm ơn ông!