Hứng khởi hơi quá đà
Xu hướng giảm lãi suất từ cuối năm 2013 được các chuyên gia cho rằng đã khiến dòng tiền chảy mạnh sang kênh đầu tư chứng khoán. Nay, khi NHNN chính thức công bố giảm một số lãi suất chủ chốt từ ngày 18-3-2014, thị trường dường như càng có cơ sở để củng cố cho kỳ vọng dòng tiền sẽ chảy sang các kênh như chứng khoán, bất động sản. Tuy nhiên, đã có lời cảnh báo về kỳ vọng đến thời điểm kiếm tiền từ những kênh đầu cơ này.
Bình luận về diễn biến của TTCK thời gian qua, một NĐT kỳ cựu đưa ra nhận định, thị trường đã có sự hứng khởi hơi quá đà. Theo vị này, sự hứng khởi đó xuất phát chủ yếu từ kỳ vọng về khả năng hồi phục của nền kinh tế, cải cách DNNN, hồi phục của thị trường BĐS, tin tưởng vào các cơ hội có được nhờ hội nhập của Việt Nam có thể tạo ra luồng gió mới... Các NĐT tin tưởng rằng trong bối cảnh ấy dòng tiền sẽ đổ về Việt Nam tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn.
Nhận định của chính các CTCK gần đây cũng không khác nhiều với ý kiến này. Ông Ong Seng Yeow, Giám đốc phân tích toàn cầu của Tập đoàn Maybank Kim Eng đã đưa ra nhận xét, 2 tháng đầu năm 2014, TTCK Việt Nam chứng kiến sự khởi sắc khá mạnh nhờ tâm lý kỳ vọng của NĐT.
Nhìn vào thời điểm hiện tại, ít có kênh đầu tư nào sinh lời nhanh như chứng khoán. Chỉ từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng trưởng 20%. Đặc biệt, giá khá nhiều cổ phiếu đã có mức tăng trưởng “phi mã” 200-400%, nhiều NĐT đã hốt bạc tỷ chỉ trong vòng vài tháng. Trên kênh tiền gửi, trần lãi suất huy động xuống 6%/năm nhưng theo các chuyên gia một tài sản tài chính quan trọng khác là vàng hiện đã không còn được các NĐT quá ưa chuộng. Mặc dù tình hình biến động tại Ukraina có đẩy giá vàng tăng nhẹ trên thế giới, song so với tốc độ tăng của TTCK Việt Nam thời gian qua, vàng vẫn kém hấp dẫn hơn đáng kể.
Bất động sản sẽ hưởng lợi
Dù lời khuyên của các nhà môi giới, CTCK tại thời điểm này chủ yếu là “mua vào” và “nắm giữ”. Có những thống kê cho thấy, phần lớn dòng tiền vào TTCK thời gian qua là từ các NĐT tư nhân. Dòng tiền của các tổ chức chỉ chiếm khoảng 20% và tiền của NĐT nước ngoài chỉ từ 8-10%. Cho nên, chính các CTCK khi tư vấn khách hàng cũng xen lẫn cảnh báo thận trọng. Yếu tố “triển vọng ngắn hạn” cũng được nhấn đi nhấn lại nhiều lần. Một nhà môi giới chứng khoán khuyến nghị, điểm đảo chiều đã nhen nhóm xuất hiện, không nên mua bán liên tục quá nhiều mã trong giai đoạn này mà chờ đợi dấu hiệu đảo chiều để chốt lời nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định dù chứng khoán trong năm nay vẫn là kênh đầu tư hứa hẹn sinh lời cao nhất, nhưng NĐT giờ đây đã thận trọng hơn nhiều. Do đó, có những người mới chơi từ đầu năm đến nay đã kịp thoát hàng và kiếm một khoản không nhỏ. Ông Ánh phân tích, một đặc điểm cơ bản của TTCK Việt Nam hiện nay là phần thắng chỉ dồn vào một số NĐT, trong khi các NĐT khác lại mất rất nhiều. Ông Ánh cho rằng số tiền đổ vào thị trường hiện nay sớm muộn sẽ tập trung lại thành một mối, sau đó lại chảy sang bất động sản.
“Dù ít, đã có một số NĐT lướt sóng thành công trong thời gian qua, gom tiền lại để sở hữu bất động sản. Nhờ những NĐT này gom chỗ nhỏ, bán đi rồi mua phân khúc cao cấp hơn thì tự nhiên thị trường bất động sản lại sôi động” - ông Ánh cho biết thêm. Bởi vậy, theo vị này, thị trường bất động sản sẽ sôi động sau TTCK. Nhưng đằng sau đó, yếu tố phục hồi có bền vững hay không lại là chuyện khác.