Số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục, mang đến nguồn tiền mới
Để phòng chống sự lây lan của đại dịch Covid-19, nhiều biện pháp đã được áp dụng và làm thay đổi nhiều mặt của cuộc sống thường ngày. Có những thói quen mới được hình thành, công việc được thực hiện theo những cách thức mới, những thị hiếu, sở thích thay đổi…
Toàn thể xã hội thích nghi với trạng thái mới để có thể đẩy lùi dịch bệnh. Chứng khoán cũng không ngoại lệ.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến chứng khoán theo một cách không ngờ tới: trong đại dịch, số lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục!
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến 30/4/2020, TTCK có gần 2,44 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 33.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.
Hơn 36.600 nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản chứng khoán trong tháng 4, cao nhất từ khi VN-Index lập đỉnh 1.200 điểm đến nay. Trước đó, trong tháng 3 có đến gần 32.000 tài khoản mở mới.
Nếu những con số thống kê này chưa đủ tạo sự tin tưởng, hãy nhìn ở một góc khác, trên công cụ Google Trending, mức độ quan tâm đến các từ khóa về chứng khoán, đầu tư đạt mức cao kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây.
Không rõ là do thị trường giảm sâu tạo ra sự hấp dẫn nhà đầu tư, hay do buộc cách ly ở nhà có thời gian rảnh để tìm hiểu thêm kiến thức, hay do nguyên nhân nào khác dẫn đến thực tế trên, dù là nguyên nhân gì thì thực tế là trong đại dịch, mức độ quan tâm đến chứng khoán tăng đột biến.
Điều đáng nói hơn, đây không chỉ là xu hướng ở thị trường Việt Nam mà diễn ra ở nhiều TTCK khác.
Ở thị trường Mỹ, những con số kỷ lục đều được ghi nhận như trong quý I/2020. Chẳng hạn, TD Ameritrade mở mới được 608.000 tài khoản, Charles Schwab mở mới được 609.000 tài khoản, E*Trade mở mới 363.000 tài khoản… Số lượng vị thế qua nền tảng Robinhood tăng đột biến và tháng 4, Công ty báo lãi gấp 3 lần tháng 3.
Tại thị trường Trung Quốc, số lượng tài khoản margin mở mới được ghi nhận cũng tăng cao… Tất cả những thông tin đó cho thấy có một lượng tiền rất mới đã chảy vào thị trường và mang sắc thái cũng hết sức mới mẻ.
Sắc thái "tiền mới": lan tỏa rất đều
Nhà đầu tư giao dịch trong giai đoạn này có thể cảm nhận rõ một sắc thái rất mới mẻ mà đã từ lâu không được thấy.
Đó là trạng thái không chỉ thị trường tăng về mặt chỉ số, mà còn có sự lan tỏa rất đều. Thực ra, đối với nhà đầu tư, mức độ lan tỏa mới là quan trọng.
Thị trường tăng và ở những phiên tăng đó là sự áp đảo về số lượng của các cổ phiếu tăng giá so với số lượng giảm giá. Không còn “xanh vỏ, đỏ lòng” mà đã thực sự xanh vỏ (chỉ số) và xanh lòng (cổ phiếu).
Đến đây có thể có nhiều ý kiến tranh luận, thị trường tăng đương nhiên phải như vậy chứ! Nhưng không, nếu nhìn lại 2 năm gần đây, ngay cả trong những đoạn thị trường tăng, hiện tượng độ rộng (chênh lệch mã tăng/mã giảm) vẫn thường xuyên tiêu cực. Hai năm vừa qua là hai năm thị trường Việt Nam rất yếu về dòng tiền.
Thậm chí, nói xa hơn về giai đoạn thị trường tăng mạnh 2016 - 2018, khi chỉ số VN-Index tăng vọt lên 1.200 điểm, chọn đúng cổ phiếu cũng không dễ vì chủ yếu là các mã trụ tăng. Tiền mới vào trong giai đoạn đó cũng rất mạnh, nhưng cung mới với những thương vụ IPO kỷ lục khiến thị trường cũng chỉ tăng chọn lọc.
Ở thời điểm hiện tại, tiền mới vào mạnh, trong khi cung mới không có thêm vì cũng không có thương vụ IPO, niêm yết nào đáng chú ý từ đầu năm 2020.
Thị trường giao dịch với trạng thái khác hẳn. Khối nội đã “cân” xong làn sóng bán tháo của khối ngoại, trong khi chưa có nguồn cung đáng kể nào khác tung ra, trạng thái thị trường hiện tại là đẹp.
Chưa đề cập tới việc dự báo thị trường có thể đi xa đến đâu, nhưng cách thức thị trường vận động hiện tại mang lại nhiều niềm vui hơn cho nhà đầu tư và một lần nữa xin được gọi đây là “sắc thái của tiền mới”.
Cơ sở - phái sinh, không còn “bên ấm, bên lạnh”
Từ khi TTCK phái sinh (hợp đồng tương lai chỉ số VN-30) ra đời, có nhiều mặt đóng góp tích cực đã được ghi nhận. Song song với đó, cũng không ít ý kiến trái chiều, chỉ trích đến từ các nhà đầu tư cá nhân, xem phái sinh là tội đồ cho những cú giảm trên thị trường cơ sở.
Hiện tượng “bên ấm, bên lạnh” thường xuyên được thấy, nghĩa là chỉ với lượng người chơi nhất định, lúc phái sinh sôi động thì thị trường cơ sở giao dịch đìu hiu và ngược lại.
Khối lượng giao dịch bình quân 20 ngày.
Hiện tại đã khác. Hợp đồng tương lai chỉ số VN30 kỳ hạn gần nhất vừa lập thêm một kỷ lục mới khi có đến gần 280.000 hợp đồng được giao dịch trong phiên 8/5.
Cũng trong phiên giao dịch đó, VN-Index tăng hơn 17 điểm (+2,16%), thanh khoản khớp lệnh lên đến gần 330 triệu cổ phiếu, tương ứng với hơn 6.200 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Trạng thái này được duy trì trong những phiên giao dịch sau đó. Tiền khỏe ở cả cơ sở và phái sinh là một dấu hiệu nữa cho thấy, dường như thị trường đang có những người chơi rất mới.
ADLines trên HOSE – Mức độ lan tỏa rất tích cực.
Chứng quyền là một góc nhỏ. Ở một góc nhỏ đó, thị trường chứng quyền cũng dần ấm trở lại. Từ trạng thái gần như mất thanh khoản, hiện tại nhiều mã chứng quyền đã có dòng tiền.
Chứng quyền là sản phẩm dựa trên tài sản cơ sở là các cổ phiếu được chọn trong VN30, do đó khi giá các cổ phiếu có dấu hiệu khởi sắc, nhiều nhà đầu tư cũng đã nhanh tay sử dụng chứng quyền để tối đa hóa lợi nhuận. Thanh khoản trong những phiên gần đây đã tiệm cận mức 10 tỷ đồng cho thị trường chứng quyền.
Thị trường tích cực lên, nhiều công ty chứng khoán cũng đã, đang và sẽ phát hành, niêm yết các mã chứng quyền mới. Như SSI với 5 mã mới gần đây, HSC với 13 mã sắp niêm yết hay KIS với 8 mã mới trong thời gian tới..., sẽ mang đến nhiều sự lựa chọn hơn cho nhà đầu tư.
Nhiều nhà đầu tư thường hay nói với nhau rằng: “Làm chứng khoán có được mấy khi vui”. Vài năm gần đây thì đúng vậy. Lúc thì chiến tranh thương mại, khi thì nâng hạ lãi suất, có thời điểm lại đường cong đảo ngược..., rồi dịch bệnh Covid-19…
Chắc chắc vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước, không chỉ cho TTCK mà còn cả nền kinh tế khi đại dịch chưa hẳn đã đi qua, mà khi đi qua rồi thì hậu quả để lại vẫn còn lớn. Nhưng thôi, tạm để lại điều đó để tạm vui trong ngắn hạn vì sắc màu của tiền mới.