Một thời Vạn Lực, Thanh Đảo
Cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ, các cửa khẩu đường biên được mở, lập tức các loại đồ uống từ Trung Quốc nhanh chóng theo chân nhiều tiểu thương, “lấn sân” sang Việt Nam. Đáng chú ý nhất là bia Vạn Lực, loại bia được đóng trong chai 0,75 lít.
Bia Vạn Lực không được đánh giá cao về chất lượng, mùi vị nhưng lại được người tiêu dùng đón nhận chỉ với lý do giá rẻ.
Thời điểm đó, người dân còn nghèo nên giá rẻ là một trong những yếu tố hấp dẫn nhất. Nhà nhà dùng bia Vạn Lực, người người dùng bia Vạn Lực. Bia Vạn Lực thậm chí còn "phủ sóng" xuống tận mũi Cà Mau. Vì vậy, bia Vạn Lực đẩy lùi bia nội để chiếm thị phần lớn trên thị trường bia Việt Nam.
Một trong những thương hiệu bia nổi tiếng ngày đó là Trúc Bạch bị ảnh hưởng bởi Vạn Lực. Ngoài lý do Công ty Bia Hà Nội gặp khó khăn khi chuyển đổi mô hình sang công ty tự hoạch toán kinh doanh, bia Trúc Bạch còn “mất tích” vì sự phổ biến của bia Vạn Lực tại thị trường Hà Nội.
Bia Trúc Bạch chất lượng cao nhưng kém cạnh tranh vì giá cao hơn nhiều so với Vạn Lực. Kết quả là bia Trúc Bạch phải dừng sản xuất.
Bên cạnh Vạn Lực, một thương hiệu bia Trung Quốc khác cũng chiếm lĩnh được thị phần lớn thị phần tại thị trường Việt Nam chính là bia Thanh Đảo. Xét về mặt thương hiệu, bia Thanh Đảo hơn hẳn bia Vạn Lực.
Bia Thanh Đảo là thương hiệu bia lớn thứ 2 và chiếm 15% thị trường Trung Quốc. Quan trọng hơn, lượng xuất khẩu của bia Thanh Đảo rất lớn.
Thanh Đảo được giới thiệu tại Mỹ vào năm 1972 và trở thành bia Trung Quốc bán chạy nhất tại thị trường sôi động này. Cho tới nay, bia Thanh Đảo vẫn duy trì được vị trí dẫn đầu dù đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của hai thương hiệu bia đến từ Trung Quốc là Zhujiang và Yanjing. Tại Nhật Bản, bia Thanh Đảo cũng chiếm thị phần không nhỏ.
Tại Việt Nam, có thời bia Thanh Đảo không giấu giếm tham vọng của mình. Cùng với Vạn Lực, bia Thanh Đảo cũng đã làm khó cho các doanh nghiệp bia Việt, những đơn vị mới chập chững bước trên kinh tế thị trường.
Có thể thấy, bia Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng Việt lựa chọn chủ yếu là do giá rẻ. Vì chưa có kinh nghiệm nên bia Việt có năng suất khiêm tốn và giá cao, vượt quá khả năng chi tiêu của người dân. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt lại thiếu tiền không nhập khẩu được những nguyên liệu thượng hạng.
Ví dụ Habeco chấp nhận tạm ngừng sản xuất bia Trúc Bạch vì ngân sách nhà nước có hạn không cho phép nhập các nguyên liệu sản xuất bia đắt đỏ như malt, hoa Houblon. Vì vậy, chất lượng bia không được cải thiện nhiều.
Bản thân Habeco thừa nhận: “Năm 1985, với chính sách mở cửa biên giới, các loại bia Trung Quốc tràn vào Việt Nam mà chủ yếu là bia Vạn lực, bán với giá rẻ so với bia trong nước. Bia Hà Nội cùng các hãng bia khác đứng trước sự cạnh tranh gay gắt với bia Vạn Lực, khó khăn tưởng chừng như không qua nổi”.
Đẩy lùi bia Trung Quốc
Bia Trung Quốc được đón nhận chủ yếu do giá rẻ. Còn về chất lượng, có lẽ cả Vạn Lực và Thanh Đảo đều không khác đa số các mặt hàng khác tại thị trường Việt Nam. Bia Vạn Lực và Thanh Đảo có hương vị kém hơn hẳn so với bia Việt.
Anh Nguyễn Thanh Bình, cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội kể những năm 80, 90, bia cỏ xuất hiện rất nhiều ở khu vực Hà Nội. Bia Vạn Lực là một trong những lọa bia đắt khách nhất vì giá quá rẻ. Tuy nhiên: “Bia Vạn Lực vừa đắng, vừa chua. Mỗi khi uống xong bia, ai cũng có cảm giác cầm búa đập vào đầu còn dễ chịu hơn” – Anh Bình ví von.
Không ngon, không sảng khoái nhưng bia Vạn Lực vẫn tiêu thụ tốt vì các "tín đồ" của đồ uống có cồn không tìm được sản phẩm thay thế. Bia nội ngon hơn, chất lượng tốt hơn nhưng giá cả quá cao. Chính vì vậy, theo anh Bình, dù không mê gì Vạn Lực nhưng cánh sinh viên và giới lao động ít tiền vẫn phải chọn Vạn Lực.
Đứng trước sự lan tỏa của bia Vạn Lực hay bia Thanh Đảo, các doanh nghiệp bia nội phải chuyển động theo. Trong đó, Habeco đóng góp vai trò quan trọng phát triển Bia Hà Nội và đẩy lùi bia Vạn Lực ra khỏi thị trường Việt Nam.
Habeco cho biết: “Để đẩy lùi được bia Trung Quốc ra khỏi thị trường, mục tiêu của Bia Hà Nội trong giai đoạn này là tập trung đầu tư nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Những dự án đầu tiên của chính sách đầu tư nâng cao chất lượng là thực hiện lắp đặt dây chuyền chiết chai công suất 10.000 và 15.000 chai/ giờ; hệ thống chiết lon 7.500 lon/ giờ”.
Bên cạnh đó Habeco thực hiện tốt khâu đóng gói sản phẩm giúp bia được bảo quản tốt hơn, chất lượng cao hơn. Sản phẩm bia Hà Nội vừa có chất lượng cao, vừa có giá cả phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân nên bia Hà Nội nhanh chóng đánh bật bia Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam.
Dù nổi tiếng ở thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản nhưng bia Thanh Đảo cũng không trụ vững được tại Việt Nam. Do hương vị bia không phù hợp với thị hiếu người Việt nên ngay cả khi bán giá rẻ, bia Thanh Đảo cũng lặng lẽ biến mất cùng bia Vạn Lực.
Ngày nay, tại Hà Nội, vẫn có công ty lấy tên là Công ty bia Thanh Đảo. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh của công ty này rất rộng, bên cạnh bia rượu, công ty còn kinh doanh lữ hành, mua bán chế biến lương thực, thực phẩm, môi giới thương mại, quảng cáo thương mại,… Và cái tên bia Thanh Đảo hoàn toàn không được nhắc đến trên thị trường, hoặc có chăng chỉ xuất hiện ở một khu vực rất nhỏ hẹp nào đó.
Như vậy, bia Việt đã thành công khi đẩy lùi bia Trung Quốc nhờ chính sách tăng chất lượng và giảm giá thành.
TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận xét khi đối diện với áp lực cạnh tranh từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia tích cực, có những rào cản kỹ thuật và những biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng. Doanh nghiệp tự đổi mới, cải tiến để nâng cao tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, theo ông Doanh, người Việt Nam cần dùng hàng Việt Nam trước hết để bảo vệ sức khỏe của mình, sau là bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, chứ không phải là người tiêu dùng mù quáng.