Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo nghị định thay thế Nghị định 101 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (đã sửa đổi, bổ sung), với nhiều điểm mới đáng lưu ý.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Nghị định 101 đã tạo điều kiện cho các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt...
Nghị định 101 cũng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại ứng dụng công nghệ vào trong sản phẩm, dịch vụ thanh toán như công nghệ xác thực sinh trắc học; mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless), thanh toán trên thiết bị di động (Mobile Payment)…
Thanh toán qua di động ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Linh Anh
Dù vậy, hạn chế của Nghị định 101 là còn thiếu cơ chế quản lý các giao dịch thanh toán quốc tế.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang tiếp nhận đề nghị triển khai mô hình thanh toán mới của ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề xuất hợp tác thanh toán với AliPay, Wechatpay, Unionpays, Nonghyup Bank (ví điện tử của Trung Quốc, Hàn Quốc...). Mô hình này nhằm phục vụ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thực hiện thông qua ngân hàng, trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Tuy nhiên, do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng cũng như thẩm quyền cho phép thí điểm nên Ngân hàng Nhà nước đã trình và báo cáo Thủ tướng cho phép thí điểm các mô hình trên, xây dựng các quy định đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển, dịch vụ thanh toán điện tử xuyên biên giới.
"Việc bổ sung rõ ràng quy định về thanh toán quốc tế giúp các chủ thể trong và ngoài nước tuân thủ quy định, ràng buộc của pháp luật hiện hành là cần thiết" – tờ trình của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.