Khoảng 9h30 sáng, phòng giao dịch ngân hàng Vietinbank trên địa bàn phường Mỹ Đình I (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã có khá đông người tới giao dịch. Trong đó, rất nhiều người dân đến với mục đích mở sổ tiết kiệm do mới có thêm khoản tiền nhàn rỗi nhờ việc lĩnh thưởng Tết cuối năm.
Ông Hoàng Văn Tuấn (46 tuổi) cho biết ông tới để mở 2 cuốn sổ tiết kiệm với tổng giá trị 100 triệu đồng nhờ khoản thưởng Tết vừa được lĩnh. Lý do mở sổ tiết kiệm tại nhà băng này được người đàn ông giải thích do gần nhà và đã mở thẻ, tài khoản tại đây.
Người dân tới gửi tiết kiệm tại một phòng giao dịch ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều người dân khác khi lựa chọn ngân hàng để gửi tiết kiệm lại đưa ra tiêu chí lựa chọn dựa vào quy mô và uy tín. Đặc biệt, lý do có vốn sở hữu Nhà nước được rất nhiều người dân đưa ra khi gửi tiền vào các ngân hàng lớn.
"So với mặt bằng chung thì lãi suất của ngân hàng này không cao nhưng đây là ngân hàng của Nhà nước nên mình an tâm hơn. Ngân hàng này chi nhánh cũng nhiều, đi đâu cũng có thể giao dịch được", anh Văn Toàn (28 tuổi), một khách mở sổ tiết kiệm ở đây, chia sẻ.
Thực tế, dù hệ thống ngân hàng hiện nay đều tuân thủ các quy định quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và mức độ an toàn khi gửi tiền ngân hàng như nhau, nhưng nhiều người dân vẫn có tâm lý an tâm hơn khi gửi tại các ngân hàng lớn, có vốn sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, lãi suất lại không phải lợi thế của các ngân hàng này.
Lãi suất không kỳ hạn tối đa chỉ 1%/năm
Hiện nay, nhóm ngân hàng lớn có vốn sở hữu Nhà nước như Agribank, Vietinbank, BIDV hay Vietcombank đều áp dụng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ khoảng 0,1%/năm.
Trong khi đó, phần lớn ngân hàng tư nhân niêm yết mức lãi suất này ở khoảng 0,3%. Những cũng có một số ngân hàng đưa ra mức lãi suất kỳ hạn này ở mức khá cao như NCB, OceanBank, VPBank ở mức 0,5%/năm, hay như TPBank với lãi suất 0,6% và HDBank là 0,7%.
Thậm chí, 2 nhà băng BacABank và SCB còn đưa ra mức lãi suất cho các khoản tiền gửi không kỳ hạn lên tới 1%/năm, gấp 10 lần nhóm ngân hàng lớn. Vì vậy, nếu có các khoản tiền chưa rõ mục đích sử dụng việc gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng sẽ giúp tối đa mức tiền lãi có thể thu về mỗi năm.
Tuy nhiên, do các khoản tiền gửi không kỳ hạn bao gồm cả tiền có trong thẻ thanh toán, ATM chưa sử dụng và với số lượng không nhiều nên mức lãi suất không phải yếu tố cạnh tranh với các khoản tiền này.
Theo đó, số lượng tiền gửi không kỳ hạn phụ thuộc nhiều vào số lượng tài khoản khách hàng thanh toán tại ngân hàng và khả năng hỗ trợ trong các giao dịch thanh toán của ngân hàng.
Hiện tại, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước cũng đang là địa chỉ mà Kho bạc Nhà nước gửi hàng trăm nghìn tỷ đồng vào tài khoản thanh toán. Đây đều được coi là các khoản tiền gửi không kỳ hạn.
Kỳ hạn ngắn 1 tháng đến dưới 6 tháng
Hiện tại, NHNN vẫn áp dụng trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tối đa là 5,5%/năm. Vì vậy, mức kỳ hạn này không có nhiều cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng lớn - nhỏ, khi hầu hết đều đưa ra mức lãi sát trần.
Trong khi nhóm Agribank, Vietinbank, BIDV hay Vietcombank đưa ra mức lãi với các kỳ hạn này trong khoảng 4,5-5%/năm, thì các ngân hàng khác mức lãi suất tối đa cũng chỉ là 5,5%.
Như kỳ hạn 3 tháng tại Vietinbank, BIDV và Vietcombank đang cùng là 5%/năm thì nhóm VIB, HDBank, SHB hay VPBank... cũng chỉ đưa ra mức lãi cao hơn 0,5 điểm % với kỳ hạn này.
Tại Techcombank, nhà băng này đang khuyến khích người dân gửi tiết kiệm online thay vì ra quầy nên mức lãi suất gửi online tại đây cao hơn tới 0,5 điểm %. Hiện tại, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng tại quầy, khách hàng của Techcombank chỉ nhận được mức lãi 4,9%/năm nhưng nếu gửi online mức lãi suất sẽ là 5,4%.
Với khoảng 100 triệu đồng tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn, sau một năm, số tiền lời chênh lệch khi gửi các ngân hàng khác nhau là không lớn.
6 tháng đến dưới 12 tháng
Lãi suất tiền gửi từ kỳ hạn 6 tháng trở lên bắt đầu cho thấy sự chênh lệch lãi suất giữa nhóm ngân hàng lớn - nhỏ.
Trong khi cả 4 ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước chỉ đưa ra mức lãi suất 5,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng, thì nhiều ngân hàng thương mại tư nhân đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn này tới trên 7%.
Đặc biệt, một số trường hợp như NCB, VietcapitalBank đưa ra mức tiền lãi lên tới 7,4%/năm, cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay. Hay như các trường hợp của OCB, SCB, BacABAnk, VPBank, NamABank... đều có mức lãi suất kỳ hạn này trên 7%.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân lớn như Sacombank, ACB, VPBank, Techcombank… chỉ đưa ra mức lãi suất dao động trong khoảng 6-6,5%/năm.
Kỳ hạn trên 12 tháng
Đây đang là kỳ hạn có sự cạnh tranh và phân hóa lớn nhất trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, khác với các kỳ hạn ngắn, các ngân hàng lớn có vốn sở hữu Nhà nước lại không phải nhóm đưa ra mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này.
Cụ thể, Techcombank đang là ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn 12 tháng với chỉ 6,5%/năm; sau đó tới ACB ở mức 6,6% và MSB là 6,7%.
Trong khi đó, Vietcombank, Vietinbank và Agribank đưa ra mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao hơn là 6,8%.
Với kỳ hạn này lãi suất tiết kiệm tại BIDV nhỉnh hơn một chút với mức 6,9%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng TMCP tư nhân khác đưa ra mức lãi suất phổ biến đều trên 7%/năm như Sacombank, SHB, HDBank...
Ở các kỳ hạn dài trên 1 năm, nhóm ngân hàng cỡ nhỏ cũng bắt đầu xem lãi suất là lợi thế cạnh tranh khi đưa ra mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với nhóm ngân hàng lớn, lên tới xấp xỉ 8% mỗi năm. Trong đó, NCB và Vietcapital Bank tiếp tục là 2 ngân hàng có lãi tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm cao nhất lên tới 8% với tất cả khoản tiền gửi.
Bình quân, nếu gửi 100 triệu đồng vào nhóm ngân hàng này, mức lãi mỗi năm thu về sẽ là 8 triệu đồng, cao hơn 1,2 triệu so với gửi vào các ngân hàng có vốn sở hữu Nhà nước.