Một báo cáo của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết gần đây, người tiêu dùng ngày càng bất bình và phàn nàn nhiều về dịch vụ của các ngân hàng. Cụ thể như thu phí sử dụng thẻ ghi nợ nội địa (ATM) một cách vô lý, không thể rút tiền tại các điểm giao dịch tự động của ngân hàng, bị thu phí mà không hề được thông báo khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử… Những bất bình, thắc mắc của người tiêu dùng được đưa ra tại các hội nghị, hội thảo về bảo vệ người tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, tổ chức và thông qua đường dây nóng.
Theo cơ quan này, nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của người tiêu dùng là do khi ngân hàng giao kết với khách hàng về việc sử dụng các giao dịch và các dịch vụ ngân hàng đều thể hiện dưới dạng hợp đồng mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung. Còn khách hàng thì chỉ cần điền thông tin vào các mẫu hợp đồng được in sẵn do ngân hàng cung cấp mà không ý thức được rằng mình đang tham gia giao kết một hợp đồng với ngân hàng để sử dụng dịch vụ, vô hình trung đồng ý với các điều khoản quy định của ngân hàng đưa ra.
Trước thực tế này, Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng cần kiểm soát, tiếp nhận để giải quyết những khiếu nại của người tiêu dùng khi họ luôn bị lép vế trước những yêu sách và cách hành xử của ngân hàng.
Đối chiếu giữa các điều khoản hợp đồng mẫu của ngân hàng đang áp dụng hiện nay, Cục Quản lý Cạnh tranh đã chỉ ra nhiều điều khoản không phù hợp với Luật bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể, quy định khách hàng phải chịu toàn bộ rủi ro mà không có trường hợp loại trừ khi hậu quả xuất phát từ lỗi của ngân hàng là không hợp lý. Vì vậy, trong trường hợp ngân hàng để rò rỉ thông tin của khách hàng cho bên thứ 3 và bên thứ 3 lợi dụng thông tin đó để kết nối tới ngân hàng và thực hiện giao dịch thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Ngoài ra, một điều khoản bất hợp lý khác là hiện nay, các ngân hàng được quyền thay đổi mức phí, mở/đóng, thay đổi hạn mức tối đa/tối thiểu hoặc thay đổi lãi suất cho chủ thẻ mà không phải thông báo. Cục Quản lý Cạnh tranh cho rằng cần phải chỉnh sửa những quy định này theo hướng chỉ rõ quy định nào của ngân hàng và công khai cho khách hàng biết về sự thay đổi để có sự thỏa thuận giữa 2 bên.
Đặc biệt, Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng cần phải bỏ quy định khách hàng phải chịu phí duy trì tài khoản thẻ và thay bằng điều khoản: nếu sau thời hạn quy định mà khách không đến nhận thẻ thì tài khoản của khách hàng đã bị hủy, khách hàng chỉ phải chịu mất số dư tối thiểu. Việc này sẽ tránh trường hợp khách quên nhưng sau nhiều năm vẫn phải chịu nợ phí duy trì tài khoản.