Theo các ngân hàng, cho vay thế chấp cầm cố bằng sổ tiết kiệm ngày càng phổ biến khi người vay có nhu cầu vốn đột xuất nhưng tài khoản gửi tiết kiệm chưa đến hạn. Mức cho vay có thể tối đa 100% giá trị thực tế sổ tiết kiệm…
Tuy nhiên, đã phát sinh những trường hợp rủi ro về phía ngân hàng với loại hình cho vay này trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu của ngân hàng ở giai đoạn khởi kiện và thi hành án.
Bà Nguyễn Hồ Thu Thuỷ, CLB Pháp chế ngân hàng - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết vừa qua, một số toà án khi xét xử cho rằng hợp đồng bảo đảm bằng tiền gửi hình thành trong thời kỳ hôn nhân do người gửi tiền ký bị vô hiệu toàn bộ/một phần do không có chấp thuận của cả 2 vợ chồng.
Cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm cũng đang phát sinh rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp khởi kiện ra toà. Ảnh: NLĐ
Tuy nhiên, với quy định về tiền gửi tiết kiệm, các ngân hàng mở sổ tiết kiệm với người gửi tiền - là người duy nhất giao dịch và được chứng nhận sở hữu tiền gửi tiết kiệm theo pháp luật. Do đó, khi chủ sở hữu sổ tiết kiệm thực hiện các giao dịch liên quan thì chỉ cần chữ ký của chính người đó đối với sổ đứng tên trên chứng từ giao dịch. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Hôn nhân - Gia đình và quy định của Bộ luật Dân sự về quyền của chủ sở hữu tài sản.
Nếu ngân hàng nhận cầm cố, thế chấp sổ tiết kiệm mà mời vợ/chồng của người đứng tên trên thẻ tiết kiệm để tìm hiểu đó là tài sản chung hay tài sản riêng sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc bảo mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng.
"Nhưng với cách hiểu của toà án như trên sẽ dẫn đến hệ lụy là mọi giao dịch liên quan đến tài khoản ngân hàng (tài khoản tiền gửi tiết kiệm, tài khoản tiền gửi thanh toán) đều cần có ý kiến định đoạt của bên vợ hoặc chồng của khách hàng giao dịch. Với số lượng hàng triệu tài khoản tiết kiệm, thanh toán, nếu bắt buộc phải thực hiện theo quy định trên sẽ dẫn đến nguy cơ tăng chi phí, thủ tục cho ngân hàng và cả khách hàng" - bà Nguyễn Hồ Thu Thuỷ phân tích.
Chưa kể, hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng sẽ gặp rất nhiều rủi ro và nguy hiểm, khi có nhiều cá nhân nhân danh đồng sở hữu tài sản để tranh chấp với ngân hàng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm là số tiền trong tài khoản tiền gửi. Việc tranh chấp này sẽ không chỉ dừng lại ở nghiệp vụ cho vay cầm cố sổ tiết kiệm mà có thể rủi ro ngay cả cho hoạt động nhận tiền gửi.
"Cụ thể, người đứng tên trên sổ tiết kiệm (chủ sở hữu) đã rút tiền tiết kiệm nhưng vợ/chồng của người đó khiếu nại với ngân hàng về quyền sở hữu sổ này và yêu cầu ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong việc cho phép một mình người đứng tên trên sổ được toàn quyền rút tiền. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho hoạt động nhận tiền gửi cho các tổ chức tín dụng trên diện rộng" – đại diện CLB Pháp chế ngân hàng lo ngại.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng đây là những vướng mắc, bất cập cần sự thống nhất nhận thức và áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn xét xử của toà án, nhằm bảo đảm quyền lợi của các tổ chức tín dụng.