Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), xung quanh câu chuyện "lợi nhuận khủng" của các ngân hàng thương mại thời gian qua, trong bối cảnh nền kinh tế bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi lớn.
Từ đầu tháng 7 đến nay, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với mức lợi nhuận đạt cao, thậm chí vượt kế hoạch đề ra dù cộng đồng doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn do đại dịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, lợi nhuận của các ngân hàng được thông tin con số khá lớn nhưng nếu tính bình quân trên mặt bằng tổng tài sản, vốn điều lệ, các chỉ số tài chính như ROA, ROE… thì lợi nhuận của các tổ chức tín dụng không phải cao so với một số ngành, lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần nhìn nhận lợi nhuận ngân hàng ở nhiều khía cạnh đầy đủ
Lợi nhuận của các tổ chức tín dụng là kết quả của cả một quá trình và được tổng hợp từ nhiều yếu tố như: Cơ chế chính sách của nhà nước được ban hành kịp thời (Nghị quyết 42), chủ trương, chính sách chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước phù hợp thực tế hỗ trợ và tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng; nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu của tổ chức tín dụng; việc ngân hàng chủ động đầu tư sớm vào ứng dụng công nghệ hiện đại giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng dịch vụ, sản phẩm, ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động…
"Ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt. Do đó, cần phải có những ứng xử và cách nhìn đặc biệt chứ không nên chỉ nhìn vào lợi nhuận. Khác với các doanh nghiệp khác, lợi nhuận ngân hàng tốt sẽ kéo theo hệ quả là hệ số tín nhiệm của các ngân hàng tăng lên, qua đó góp phần nâng hệ số tín nhiệm quốc gia. Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, lợi nhuận ngân hàng cao phải được nhìn nhận là điều may mắn. Từ đó, ngân hàng mới có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi" – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Có điều, ngân hàng được xem là "huyết mạch" của nền kinh tế, tại sao khi kinh tế chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến tăng trưởng GDP ở mức thấp, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nhưng ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận cao?
Làm rõ điều này, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng lợi nhuận của ngân hàng cần phải được hiểu đúng, nhìn nhận khách quan, toàn diện ở các góc độ. Trong đó phải kể tới sự hình thành ngân hàng số, đem tới sự giản tiện cho người sử dụng. Lượng tiền mặt trong lưu thông chủ yếu luân chuyển giữa các tài khoản tại ngân hàng, giúp tổ chức tín dụng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất thấp. Nhờ đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện tiết giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Khác với trước kia, nguồn thu của ngân hàng chủ yếu là từ thu lãi vay thì nay, tỉ lệ thu từ dịch vụ tại các tổ chức tín dụng đều gia tăng, có ngân hàng thu dịch vụ đóng góp tới 40% vào lợi nhuận (điều này phù hợp với xu thế quốc tế)…
"Hiện lợi nhuận ngân hàng đang được tạm tính trên cả các khoản dự thu của khách hàng theo quy định hiện hành. Nếu khách hàng không trả được nợ thì ngân hàng phải thoái thu, lúc đó sẽ không được ghi nhận vào lợi nhuận nữa. Nói lợi nhuận ngân hàng tăng do "ăn" chênh lệch lãi suất cao là hoàn toàn không chính xác. Bởi ngân hàng là doanh nghiệp hoạt động minh bạch nhất về chi phí xác định lãi suất đầu vào" – ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Theo vị lãnh đạo VNBA, nếu doanh nghiệp vay lãi suất cao trong giai đoạn hiện nay thì mức rủi ro rất lớn và phải chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình, do vậy không ngân hàng nào dám cho vay với lãi suất cao trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Mong muốn của ngân hàng là thu đủ gốc và lãi đủ bù đắp chi phí và sẵn sàng giảm lãi suất cho vay ở ức hợp lý.