Ngày 9-6, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) điều chỉnh lãi suất huy động ở các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng của Vietcombank chỉ còn 5%/năm, kỳ hạn từ 2 tháng đến 9 tháng lần lượt từ 5,1% - 5,9%/năm. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng cũng giảm từ 6%/năm xuống còn 5,9%/năm. Đáng chú ý là lãi suất huy động các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 60 tháng cũng lùi về mức 7%/năm.
Tương tự, nhân viên Ngân hàng Công thương (Vietinbank) chi nhánh TP HCM, cho biết ngân hàng vừa điều chỉnh lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn vào cuối tuần trước. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietinbank là 7% dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Trước đó, mức lãi suất kỳ hạn dài đã được giảm từ 7,8%/năm xuống còn 7,5%/năm.
Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, từ cuối tháng 5, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cũng áp dụng biểu lãi suất mới, theo hướng giảm thêm lãi suất tiền gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-3 tháng là 5,7%/năm, từ 4-5 tháng là 5,98%/năm… Ở kỳ hạn dài, mức lãi suất cao nhất cũng chỉ 7,8%/năm cho kỳ hạn từ 24-60 tháng
Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng dao động từ 5,5%/năm đến 5,6%/năm và kỳ hạn dài trên 12 tháng cao nhất là 7,6%/năm…
Nhân viên một ngân hàng cổ phần cho biết cách đây khoảng 1 tháng, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dài cao nhất trên thị trường khoảng 8,5%/năm nhưng hiện chỉ phổ biến ở mức 7,8%/năm. Làn sóng hạ lãi suất sẽ tiếp tục được các ngân hàng áp dụng để tiết giảm chi phí, trong bối cảnh tín dụng vẫn chưa được cải thiện đẩy mạnh.
Sau lần hạ trần lãi suất huy động về mức 6%/năm của Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 3-2014, đến nay các Ngân hàng thương mại đã nhiều lần hạ lãi suất đầu vào trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến ngày 23-5, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2% so với cuối năm ngoái. Thanh khoản của các tổ chức tín dụng tiếp tục đảm bảo nhưng tín dụng cho nền kinh tế đến gần cuối tháng năm mới chỉ tăng 1,31% so với cuối năm.