Sau nhiều lần hối thúc từ cơ quan quản lý, không ít ngân hàng thương mại cổ phần rục rịch triển khai việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung, nhưng mới chỉ có một số ngân hàng hoàn thành trong năm 2017. Dự báo, trong năm 2018, nhiều ngân hàng sẽ “đổ bộ” lên sàn.
Sức ép từ cơ quan quản lý
Từ giữa năm 2017, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) đã gửi phản ánh tới Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong đó nhấn mạnh đến việc gia tăng hàng hóa cho thị trường cần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, cần sự phối hợp, gắn kết hiệu quả hơn nữa hoạt động điều hành lĩnh vực ngân hàng với lĩnh vực tài chính, chứng khoán, thể hiện qua việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng thương mại lên niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK.
Trước phản ánh này, NHNN cho hay, đây không phải là điều bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng về mặt chủ trương, NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng sớm đưa cổ phiếu lên sàn.
Gần đây nhất, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, để giúp người dân có thể nắm được tình hình sức khỏe của các ngân hàng, trong thời gian tới, NHNN sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK, công bố báo cáo tài chính định kỳ, có kiểm toán. Qua đó, người dân và nhà đầu tư có thể giám sát, xác định tình hình tài chính của các ngân hàng, từ đó bảo vệ người gửi tiền.
Được biết, trong năm 2017, có 5 ngân hàng thương mại cổ phần gồm VPBank, VIB, Kiên Long, LienVietPostBank, BacA Bank và đầu năm 2018 có HDBank niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Tôi tin, rất nhiều ngân hàng muốn lên sàn để minh bạch và kêu gọi vốn, nhưng nội tại không ít ngân hàng vẫn còn yếu, đó là chưa kể giá cổ phiếu ngân hàng vẫn còn chưa tương xứng, nên các ông chủ còn ngần ngại lên sàn”.
Năm 2018, thời điểm tốt để lên sàn
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam (tháng 10/2017), tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Theo công bố mới đây của Tạp chí The Asian Banker, có 15 ngân hàng thương mại của Việt Nam nằm trong danh sách 500 ngân hàng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việc 6 ngân hàng lên sàn kể từ đầu năm 2017 đến nay cho thấy, tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng ngày càng được tăng cường.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, năm 2018, cổ phiếu của hệ thống ngân hàng nói chung và một số ngân hàng nói riêng sẽ trở nên hấp dẫn do đẩy nhanh được tốc độ xử lý nợ xấu.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, kết quả xử lý nợ xấu nội bảng, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 93.700 tỷ đồng, phần lớn là do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro. Cụ thể, số nợ xấu thu được qua khách hàng trả nợ ước đạt gần 29.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số nợ xấu bán cho các tổ chức, cá nhân là 31.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bán nợ cho VAMC, đạt 31.000 tỷ đồng. Tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro trong 11 tháng đầu năm 2017 là 24.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016. Bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016.
“Tính từ năm 2012 đến hết tháng 11/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 705.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 407.700 tỷ đồng, chiếm 57,81%; còn lại là bán nợ, chiếm hơn 42,19%”, ông Kim Anh nói.
Đối với kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, đến 31/12/2017, toàn hệ thống xử lý được trên 51.000 tỷ đồng nợ xấu, chủ yếu từ nguồn khách hàng trả nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng của tổ chức tín dụng (chiếm trên 80%). Trong đó, có 6 ngân hàng (Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank) lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu, tính đến 30/11/207 đã được xử lý gần 21.000 nghìn tỷ đồng (bằng xấp xỉ 52% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống).
“Với các biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước và sự nỗ lực, chủ động của các tổ chức tín dụng trong kiềm chế và xử lý nợ xấu, đặc biệt với sự ra đời của Nghị quyết 42 năm 2017, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được kiểm soát ở mức an toàn theo mục tiêu đặt ra.
Đến cuối tháng 11/2017, ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 2,3%; tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu so với tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế ước tính đến cuối năm 2017 giảm còn 7,91%, từ mức 10,08% cuối năm 2016”, ông Kim Anh cho hay.
Không cần ép cũng sẽ lên sàn
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 555 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), dự kiến trong tháng 3 tới, TPBank chính thức chào sàn.
Với Techcombank, một lãnh đạo cao cấp của ngân hàng này chia sẻ, Ngân hàng đang triển khai các thủ tục và xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông tới đây về việc niêm yết.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang “dòm ngó” ngân hàng Việt. Điều này cũng là hiển nhiên nếu nhìn về năng lực của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng đã có những thay đổi mạnh mẽ.
“Không cần ép, các ngân hàng cũng sẽ chủ động lên sàn vì lợi ích của chính mình”, ông Nghĩa nhận xét.
Về năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, tính đến thời điểm 30/11/2017, tổng tài sản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt gần 9,479 triệu tỷ đồng, tăng gần 12% so với cuối năm 2016 và tăng 29,5% so với cuối năm 2015. Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm 47,4%, khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm gần 40,4%.
Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt gần 649.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cuối năm 2015; trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng 14,2%, khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 17,1%. Vốn điều lệ của toàn hệ thống cũng tăng dần qua các năm, tính đến 30/11/2017 đạt 502.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2015; trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước tăng 7,8%, khối ngân hàng thương mại cổ phần tăng 8,6%, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài tăng 16,3%.
Hiện tại, có 14 ngân hàng đang niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu, bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, VPBank, HDBank, Eximbank, MBBank, Sacombank niêm yết trên HOSE; ACB, SHB, NCB niêm yết trên HNX; VIB, Kienlongbank, LienVietPostBank đăng ký giao dịch trên UPCoM. Có 2 mã cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) là SHB và NCB.