Xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ LT (FC) và nội tệ (LC) của Techcombank được Moody’s cập nhật từ Ba2 sang Ba3, do những biến động gần đây trên thị trường bất động sản Việt Nam. Báo cáo xếp hạng này ghi nhận Techcombank vẫn thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu trong nước về chất lượng tài sản tín dụng.
Trước đó, trong đánh giá hồi tháng 9-2022, Techcombank có cùng mức xếp hạng quốc gia, và là ngân hàng Việt Nam duy nhất có mức đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) ở mức Ba2.
Đại diện Techcombank cho hay: "Moody's đã phản ánh những thách thức của thị trường trong xếp hạng mới. Chúng tôi tin rằng các thế mạnh cơ bản của Techcombank sẽ cho phép Ngân hàng tiếp tục vượt trội so với các tiêu chuẩn ngành trong trung hạn, đặc biệt là về sức mạnh của cơ sở vốn, vị thế thanh khoản và phí ròng, tỉ lệ thu nhập (NFI) trên tổng thu nhập hoạt động (TOI)".
Theo cập nhật từ kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng năm 2022, Techcombank hiện đứng đầu về chỉ số an toàn vốn ở mức 15,2%, gấp khoảng 2 lần so với yêu cầu tối thiểu 8% của Basel II. Tỉ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những chỉ tiêu quan trọng khi đánh giá về hoạt động an toàn và quản trị rủi ro của các ngân hàng.
Tỉ lệ cho vay trên huy động (LDR) là một chỉ tiêu an toàn khác hiện được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ theo Thông tư 22, ở mức tối đa 85% đối với tất cả ngân hàng thương mại thành viên. Trong 5 quý liên tiếp gần đây, Techcombank luôn duy trì LDR ở tỉ lệ từ 75%-78%, và tại thời điểm cuối năm 2022 là 76,6%.
Trong bối cảnh khó khăn chung, Techcombank là một trong những ngân hàng ứng biến linh hoạt với thị trường và tận dụng các lợi thế kinh doanh, đặc biệt trong việc tìm ra các động lực tăng trưởng mới.
Techcombank đã quyết liệt định hình và tìm ra được hướng đi phù hợp để không chỉ hỗ trợ tăng trưởng năm 2022, mà còn tạo bộ đệm để sẵn sàng vượt qua thách thức có thể đến trong tương lai.
Năm 2022, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn ngành giảm năm thứ 4 liên tiếp, chỉ đạt ~6%, Techcombank vẫn ghi nhận tăng trưởng cao ở chỉ tiêu này. Cụ thể, tính đến ngày 31-12-2022, tổng số dư tiền gửi tại Techcombank đạt khoảng 358.400 tỉ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn đạt 225.900 tỉ, tăng tới 44,9% so với cùng kỳ và số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 132.500 tỉ đồng.
Theo đó, mức tăng trưởng mạnh mẽ của số dư tiền gửi có kỳ hạn tại Techcombank, đặc biệt quý IV tăng 32,3% so với quý trước, đã cho thấy sự quyết liệt trong kế hoạch hành động của Ngân hàng, đảm bảo nguồn vốn trong nước khi chi phí đi vay từ thị trường quốc tế bị tác động kép (do ảnh hưởng của lãi suất và tỉ giá). Cùng với đó, số dư tiền gửi còn thể hiện sự tin tưởng cao của khách hàng vào thương hiệu và an toàn hệ thống, cũng như hoạt động của Techcombank.
Việc ghi nhận tăng trưởng huy động tích cực năm vừa qua cũng tạo nền tảng cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, khi huy động vốn của các ngân hàng được dự báo còn gặp nhiều khó khăn.