Phát hành thẻ tiêu dùng thông minh đang là xu hướng mới của các doanh nghiệp nhằm đánh vào tâm lý thích cộng điểm, giảm giá của khách hàng. Hơn mười thương hiệu thẻ như vậy đang có mặt trên thị trường, mỗi thương hiệu thẻ có cách hoạt động và mạng lưới cửa hàng chấp nhận khác nhau, nhưng đều có chung chức năng tích lũy điểm. Số điểm tích lũy tính trên giá trị món hàng, dịch vụ sử dụng và được quy đổi thành tiền cho những lần mua sắm tiếp theo. Một số nơi áp dụng cách tích lũy điểm để được hưởng khuyến mại, giảm giá.
Theo lời giới thiệu, chỉ với một chiếc thẻ, người tiêu dùng có thể nhận được ưu đãi từ hàng trăm thương hiệu khác nhau trong cộng đồng thẻ và quy đổi điểm tương đương tiền mặt khi thanh toán hóa đơn mọi lúc mọi nơi. Lãnh đạo một đơn vị vận hành thẻ tích lũy điểm ở quận 1 (TP HCM) cho biết, đối tượng khách hàng chủ yếu là nhân viên văn phòng và những người tiêu dùng năng động tại các đô thị lớn.
Anh Tuấn Vũ, nhân viên kinh doanh ở quận Bình Thạnh, cho hay mặc dù có thẻ giảm giá của nhiều nhà hàng hay quán cà phê nhưng không bao giờ mang theo tất cả vì thấy rất bất tiện mà không tiết kiệm được bao nhiêu. “Khi đến ăn tại một quán mì, chủ quán giới thiệu loại thẻ có thể đại diện cho một loạt các chuỗi thức ăn mà tôi thường ghé. Vậy là tôi dùng thẻ này hơn nửa năm vì có ghé quán nào giờ chỉ cần đem một thẻ duy nhất. Là khách hàng thân thiết nên tôi được ưu đãi nhiều về giá” - anh Vũ nói.
Người tiêu dùng chưa chắc được mua hàng giá rẻ với chiếc thẻ tích lũy điểm.
Theo một đại diện Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, hạn chế lớn nhất của mô hình này là thông tin ưu đãi khuyến mãi không minh bạch, chưa đúng với cam kết của các đơn vị phát hành thẻ dành cho người tiêu dùng. Có những chương trình quảng cáo giảm giá, ưu đãi đến 50% trên tổng trị giá của món hàng. Nhưng thật ra đơn vị hay doanh nghiệp đó chỉ giảm 30% và 20% còn lại họ tự đưa vào điểm tích lũy, mà điểm tích lũy này phải đạt được mức độ nào đó mới đủ cơ sở giúp cho người tiêu dùng mua hàng với giá ưu đãi hoặc quy ra tiền mặt.
Chị Hồng Ân, một chủ doanh nghiệp tại cơ sở giày dép ở quận Tân Bình cho rằng, với thẻ mới này, khách vẫn trả tiền đúng giá niêm yết, chỉ được tặng quà trong dịp lễ, có đợt giảm giá 30-50% sẽ được thông báo và khi tích lũy đủ số điểm cần thiết mới được mua hàng giảm giá.
"Tôi thích được giảm ngay, chứ không phải chờ tích lũy đủ điểm mới được hưởng giá ưu đãi trong mạng lưới chấp nhận thẻ. Với lại, tôi chưa chắc mua sắm được ở những cửa hàng trong hệ thống này vì có thể không đúng với phong cách, sở thích của tôi" - chị nói. Hiện chị vẫn chuộng kiểu làm thẻ giảm giá ở các trung tâm để sắm sửa mỗi khi có đợt khuyến mãi vì dù sao cách này cũng giúp chị tiết kiệm ngay một khoản tiền.
Chị Dung, nhân viên văn phòng ở quận 1, rất thích đi shopping, ăn uống cùng đồng nghiệp. Từ khi sử dụng thẻ tích lũy điểm, chị không cần phải lựa chọn địa điểm mua sắm, vui chơi, ăn uống, bởi có cả hệ thống danh sách các cửa hàng chấp nhận thẻ này, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ những cửa hàng đó, với những món ăn quen thuộc. "Nhiều khi ăn uống cũng phải phá cách một chút, có hôm nhóm tôi muốn ăn bún đậu mắm tôm nhưng lại không nằm trong danh sách được ưu đãi về giá của chiếc thẻ tích lũy điểm" - chị nói.
Chị Tường Vi, nhân viên kế toán tại một ngân hàng ở quận 10 quan tâm tới việc làm thẻ giảm giá để tranh thủ sắm sửa ở các đợt khuyến mãi. Tuy nhiên, theo chị, không phải lúc nào cách này cũng thuận tiện. Cách đây hai tuần, để có được thẻ thành viên tại một cửa hàng thời trang trên đường Phú Nhuận, chị được thông báo phải mua sắm từ 2 triệu đồng và sau 2 tuần thẻ mới được giao.