Trong biểu lãi suất vừa công bố, Agribank điều chỉnh lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, với mức giảm cao nhất tới 0,5 điểm % so với mức trước đó. Sau điều chỉnh, lãi suất gửi kỳ hạn 1-2 tháng tại Agribank chỉ còn 3,7%/năm; kỳ hạn gửi 12-24 tháng còn 6,6%/năm.
Mức lãi suất tiền gửi thấp nhất ở khối ngân hàng thương mại nhà nước kỳ hạn 1-2 tháng là 3,7%/năm cũng được Vietcombank, Vietinbank và BIDV áp dụng trong biểu lãi suất mới từ đầu tháng 7. Các kỳ hạn dài trên 12 tháng của 3 ngân hàng này cũng giảm về còn 6%/năm, thay vì mức 6,3%/năm trước đó.
Lãi suất huy động tiếp tục giảm. Ảnh: Lam Giang
Nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng trong làn sóng hạ lãi suất đầu vào. Tại biểu lãi suất tiền gửi mới áp dụng từ 2-7, VPBank điều chỉnh giảm mạnh ở các kỳ hạn trong đó mức thấp nhất còn 3,5%/năm kỳ hạn 1-2 tháng khi khách hàng gửi dưới 300 triệu đồng.
Lãi suất huy động cao nhất tại VPBank khi gửi tại quầy kỳ hạn 36 tháng là 6%/năm nếu gửi dưới 300 triệu đồng và mức 6,5%/năm nếu gửi từ 50 tỉ đồng trở lên.
Techcombank cũng liên tục điều chỉnh lãi suất huy động thời gian qua, trong đó chỉ riêng 2 ngày đầu tháng 7, ngân hàng này đã 2 lần thay đổi biểu lãi suất ở nhiều kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn từ 13-36 tháng chỉ 5,4%/năm nếu là khách hàng thường, gửi dưới 1 tỉ đồng; lãi suất gửi thấp nhất là 3,5%/năm kỳ hạn 1 tháng…
Không chỉ hạ lãi suất tiền gửi, một số ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Agribank vừa giảm tiếp 0,2 điểm % lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn về tối đa 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Theo lãnh đạo Agribank, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường và là lần thứ 3 từ đầu năm 2020 đến nay ngân hàng điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh.
BIDV cũng tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5 điểm % so với lãi suất hiện hành từ ngày 1-7 nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có chi phí hợp lý trong bối cảnh khó khăn. Tính từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5 - 3 điểm % so thời điểm trước dịch Covid-19.
Các ngân hàng thương mại giảm cả lãi suất huy động và cho vay trong bối cảnh tiền gửi vẫn chảy vào hệ thống ngân hàng và tăng trưởng tín dụng ở mức thấp. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng tính đến 19-6 chỉ đạt 2,45% là mức thấp nhất trong 5 năm qua, do tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng vẫn tăng 4,35% so với cùng kỳ.
Theo các ngân hàng, dù lãi suất giảm nhưng dòng vốn nhàn rỗi từ dân cư vẫn chảy vào hệ thống ngân hàng giúp thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào. Do đó, việc giảm cả lãi suất huy động và cho vay nhằm mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế giảm chi phí, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.