Ngày 11-5, Ngân hàng (NH) TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cho biết đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức tối đa 8%/năm dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online, cao hơn gửi tại quầy 0,1%/năm với các kỳ hạn 1 tuần đến 36 tháng. Việc này được NH lý giải là để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ gửi tiền trực tuyến trên Internet Banking.
Vietbank mới điều chỉnh lãi suất lên mức tối đa 8%/năm
NH TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng vừa niêm yết biểu lãi suất mới theo hướng tăng ở các kỳ hạn dài, trong đó mức lãi suất cao nhất lên tới 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, tăng khoảng 0,3%/năm so với biểu lãi suất trước đó. Ở các kỳ hạn khác, mức lãi suất cũng khá cao như 7,9%/năm cho khách hàng gửi kỳ hạn 15 tháng.
Trước đó, mức lãi suất huy động vượt 8%/năm được một số NH áp dụng qua hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dành cho khách hàng cá nhân, với kỳ hạn dài 3-5 năm. Trong đó, mức lãi suất huy động qua kênh chứng chỉ tiền gửi cao nhất lên tới 8,9%/năm dành cho khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên, kỳ hạn 60 tháng tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định sau khi lãi suất huy động tăng từ 0,1-0,5%/năm tại một số NH thương mại kể từ tháng 3, sang tháng 4 thị trường chưa ghi nhận thêm mức điều chỉnh đáng kể nào. Tại thời điểm cuối tháng 4, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên 12 tháng dao động quanh mức 7%/năm.
Để ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng sẽ chịu nhiều thách thức hơn năm ngoái do kỳ vọng về lạm phát và tỉ giá gia tăng khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay.
Đồng thời, nợ xấu chưa được xử lý triệt tiếp tục là rào cản lớn cho hạ mặt bằng lãi suất.; các tổ chức tín dụng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ đầu năm 2018. Do đó, lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái.